Cây cảnh Việt Nam - Hình ảnh con người xuất hiện trong nhiều tác phẩm cây cảnh nghệ thuật ẩn chứa những ước mơ, tình cảm sâu kín trong tâm hồn người Việt... Có thể cảm nhận được điều này tại Triển lãm cây cảnh nghệ thuật đang diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. Cây thế (bonsai) đã đi vào cuộc sống như một mỹ tục, một thú chơi thể hiện sự tinh tế trong tâm hồn của người Việt Nam. Trong thú chơi này, cây cảnh được bàn tay nghệ thuật của con người tạo tác để hình thành một thế cây. Đó là một dáng đứng hay một điệu vươn của cây có bố cục chặt chẽ, đẹp đẽ, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có sức sống, triết lý riêng.
Cây thế đẹp là những cây toát lên được dáng vẻ cổ thụ trong một kích thước rất nhỏ, nằm gọn trong những chậu cây có hình dáng, chất liệu, hoa văn phù hợp để tạo nên một tổng thể hài hòa, giàu giá trị thẩm mỹ. Ý nghĩa chủ đạo của cây thế là sự trường tồn nên tuổi cây càng cao, cây càng quý.
Trong nhiều tác phẩm cây thế, hình ảnh con người xuất hiện dưới dạng những bức tượng, những mô hình kiến trúc nhỏ. Không chỉ làm nổi bật dáng vẻ cao lớn, uy nghiêm của cây thế, những hình ảnh này còn thể hiện nhiều ước mơ, tình cảm sâu kín ẩn chứa trong tâm hồn người Việt…
Một số hình ảnh Đất Việt ghi nhận tại Triển lãm cây cảnh nghệ thuật đang diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Bên cạnh ý nghĩa kể trên, mô-típ này cũng thể hiện mong ước một cuộc sống bình yên, hòa đồng với thiên nhiên. Có thể cảm nhận điều này qua tác phẩm của nghệ nhân Bùi Minh Thiện (Thái Bình).
Sự thanh tịnh, cao vời của cõi Phật với một ngôi chùa tháp, một gốc phi lao cổ thụ ngự trên đỉnh núi trong tác phẩm của nghệ nhân Hoàng Minh Thái ( Hà Nội).
Với hình tượng cô thôn nữ và mái nhà tranh dưới chùm khế trĩu nặng, tác phẩm của nghệ nhân Bùi Kế Tân (Hải Dương) khiến nhiều người bất giác nhớ tới câu ca bất hủ "Quê hương là chùm khế ngọt...".
Một gian nhà nhỏ bé ở chốn thâm sơn cùng cốc sẽ là chốn nương náu bình yên, tránh xa những ưu phiền trong đời sống bon chen thường nhật. Tác phẩm trên được tạo dựng bởi bàn tay của nghệ nhân Lã Quý Phan (Thái Bình).
Nghệ nhân Phùng Văn Hoặc (Hà Nội) kết hợp cây thế với hòn non bộ để tạo nên khung cảnh non nước đẹp như tranh vẽ.
Tác phẩm có tên Thành cổ Sơn Tây của nghệ nhân Lê Văn Viết (Sơn Tây, Hà Nội) vừa là một sự hoài niệm về quá khứ, vừa là lời nhắc nhở con người đương đại có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa, kiến trúc cổ.
Những góc thôn quê điển hình của Việt Nam với cây đa, bến nước, mái đình giống như trong tác phẩm của nghệ nhân Đặng Văn Thập (Hà Nội) đang dần dần biến mất trong thực tế do những đổi thay của thời cuộc.
Tác phẩm mang thế quần thụ của nghệ nhân Vũ Văn Cường (Hưng Yên) tái hiện hình ảnh một khu rừng nguyên sinh, nơi muông thú tồn tại trong yên bình, không lo sợ bị bàn tay con người truy sát...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét