Làng xáo động khi hai năm trước, bắt đầu có các thương lái tìm về mua cây cảnh. Lộc vừng là loại cây được các thương lái chuộng nhất với giá cả vài triệu đồng một cây. Một cây dại có giá bằng cả vụ lúa của mỗi gia đình nên cả làng đổ xô đi đào cây tự nhiên về trồng trong vườn nhà chờ bán.
Khoảng hai năm trước, một số làng quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế còn là những vùng quê thuần nông, người nông dân chủ yếu chỉ sinh sống nhờ nghề trồng lúa. Những người nông dân từ chỗ không phân biệt được thế nào là cây củi hay cây cảnh bỗng đổi đời khi người ở các nơi đổ về mua những cây lộc vừng vốn mọc hoang trong làng với giá lên đến cả trăm triệu đồng. Nhiều nông dân đã bỏ ruộng vườn, trở thành những "ông chủ cây cảnh" có tiền tỷ.
Nghề "một vốn bốn lời"
Ông Ngô Viết Xuân, một người dân trong làng La Xá Bàu (xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhớ lại: "Cây sanh (si), cây mưng (lộc vừng) hồi đó mọc đầy vườn, phải hết hơi chặt đi lấy đất trồng lúa. Ai ngờ bây giờ những loại cây dại ấy quý như vàng, cả chục triệu bạc một cây".
Làng xáo động khi hai năm trước, bắt đầu có các thương lái tìm về mua cây cảnh. Lộc vừng là loại cây được các thương lái chuộng nhất với giá cả vài triệu đồng một cây. Một cây dại có giá bằng cả vụ lúa của mỗi gia đình nên cả làng đổ xô đi đào cây tự nhiên về trồng trong vườn nhà chờ bán. Ông Xuân nói: "Quanh năm cầm cuốc cầm cày, chẳng phân biệt được đâu là cây củi, đâu là cây cảnh, vậy mà giờ đi đâu, nghe câu chuyện nào của dân làng cũng thấy nhắc tới chơi cây cảnh. Con bàu (vùng đất trũng nước ngập quanh năm) của làng hồi trước lộc vừng mọc nhiều như cỏ, người ta phải chặt đi làm củi thổi lửa, vậy mà bây giờ ra đó đỏ mắt tìm cây con cũng hiếm". Vừa mới bán một gốc lộc vừng giá 45 triệu tháng trước, ông Ngô Viết Xuân cho biết trong vườn nhà ông vẫn còn hơn 50 gốc lớn nhỏ đang trong độ lớn. Chỉ vào hai gốc lộc vừng trước cổng nhà, ông Xuân cho biết: "Đã có khách gạ mua giá 20 triệu/gốc nhưng tôi chưa bán vì nếu gặp "dân chơi" thì có thể bán được giá cao hơn".
Gần đây, về làng quê La Xá Bàu, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh người ta bàn tán những chuyện như "nhà ông Nam vừa bán gốc lộc vừng 20 triệu", hay "gốc cây nhà ông Có nhỏ vậy mà cũng bán được 15 triệu". Từ chỗ vốn là nơi cung cấp lộc vừng tự nhiên, đến nay La Xá Bàu còn là nơi tập hợp lộc vừng từ các nơi đổ về: "Lộc vừng tự nhiên hiện nay rất hiếm, nếu có thì giá rất đắt nên nhiều tay buôn cây đã nhân giống bằng cách ươm cây từ hạt. Phải mất từ 3 đến 4 năm cây mới trưởng thành nhưng nguồn cung cấp mặt hàng này tương đối phong phú, giá cả phải chăng. Vì thế hầu như nhà nào ở làng đều có lộc vừng, nhà nhiều có đến hàng trăm cây, ít cũng năm bảy chục cây", một người dân cho biết.
Ông Xuân cho biết, sau một thời gian lùng sục khắp các ngõ ngách, đồi núi để săn cây, nguồn cây cảnh trong tự nhiên tại Huế và một số địa phương lân cận hầu như đã "tuyệt chủng". Để tìm những cây có tuổi đời lâu năm, thế đẹp, người dân giờ phải đi sang tận biên giới Lào, Campuchia... để săn cây. Mỗi tháng người dân thường tổ chức thành các nhóm đi săn cây dăm ba lần, mỗi lần đi có thể tới cả tuần lễ.
Vừa mới lên cấp hành chính từ xã thành phường, nhưng phường An Đông (thành phố Huế) vẫn còn khá nhiều người theo nghiệp ruộng đồng, lại nằm ven thành phố, có nhiều đất để có thể trồng cây cảnh nên An Đông trở thành "địa chỉ vàng" cho những tay săn lùng lộc vừng cũng như cây cảnh nói chung.
Ông Lê Hữu Chiến, 56 tuổi được biết đến như một nông dân thành đạt trong làng nhờ chuyển nghề trồng cây cảnh. Người nông dân này đang sở hữu khu vườn trị giá cả tỉ đồng. "Trồng lúa thu nhập thấp nên gia đình chuyển sang chăn nuôi, ai ngờ gặp phải nạn dịch nên lỗ nặng. Sau nhiều đêm trăn trở không ngủ được tôi quyết định chuyển sang một hướng làm ăn mới là kinh doanh cây cảnh may ra mới cải thiện được cuộc sống. Lúc bấy giờ trào lưu chơi lộc vừng đang nổi, ở quê lại sẵn cây nên cả gia đình huy động vốn mua cây về trữ trong vườn, khi nào giá cao sẽ bán. Tôi có tiền tỉ nhờ cơ duyên ấy", ông Chiến nhớ lại.
Để có khu vườn rộng hơn 5.000 m2 trồng hàng trăm các cây cảnh đủ loại, trong đó phần lớn là cây lộc vừng, ông Chiến đã cùng các con đi đến nhiều địa phương suốt hơn 8 năm qua sưu tầm, mua cây con, tìm cách ươm giống. Theo ông Chiến, "làm nghề này yêu cầu cần có hai điều kiện tối thiểu: thứ nhất phải có vốn, thứ hai phải có đất để ươm cây, nuôi cây, nếu thuê đất thì rất khó có lãi".
Theo ông Chiến, nghề buôn cây cảnh là nghề "một vốn bốn lời": "Hồi đó giá cây rẻ lắm, một cây cao hàng dăm bảy mét, vài chục năm tuổi đời cũng chỉ mua giá khoảng 2 - 3 triệu, thế nhưng có thể bán lại với giá 10 - 15 triệu đồng, gặp khách "kết" thì có thể còn lãi nhiều hơn", ông Chiến nói.
Đang sở hữu cây lộc vừng có giá khoảng 100 triệu đồng, anh Trương Văn Minh, một thanh niên trẻ trong làng mừng rỡ khoe: "Cây này mình mua ở Phong Điền với giá 30 triệu cách đây hơn một năm, thân cây có nhiều u bướu tự nhiên nên được nhiều người chuộng, mình đang "treo" giá 100 triệu".
Nhờ cây cảnh, mức sống của gia đình ông Chiến và nhiều người dân An Đông khác nay đã được nâng cao, cuộc sống của các hộ dân đổi thay từng ngày, nhiều gia đình đã có "của ăn của để", trong làng đã có thêm nhiều nhà cao tầng. Nhắc lại cuộc đời hơn 50 năm, ông Chiến trầm giọng: "37 năm gắn bó với ruộng đồng, 42 tuổi tôi chuyển nghề bám đuôi con vịt (chăn vịt), 48 tuổi tôi mới tình cờ chuyển sang nghề cây cảnh. Nếu không có nghề mới này, chắc cuộc sống không biết có được như ngày hôm nay".
Nông dân tự tìm bí quyết chăm sóc cây cảnh
Mặc dù không được tiếp cận với các tài liệu hướng dẫn nghề cây cảnh, chưa từng qua trường lớp nào nhưng những người nông dân ở những làng cây cảnh như An Đông, La Xá... đều rất tự tin với kinh nghiệm thực tế: "Muốn cây có thế đẹp phải chăm bộ rễ ngay từ khi cây còn nhỏ, phải uốn rễ cây xoáy tròn để khi cây lớn rễ bao quanh, lâu ngày tạo thành phần đế, nếu có bộ đế đẹp khi bán sẽ rất được giá", ông Chiến "bật mí" về cách tạo thế cây đẹp.
Ông Phùng Hữu Thanh, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Thuỷ Thanh 2, đồng thời cũng là một "đại gia" cây cảnh chia sẻ bí quyết chơi cây: "Cây chuyển từ nơi khác đến cần dùng nước rửa cho rễ sạch đất nhằm khử chua. Sau đó phải trồng cây trên đất cát, đến khi cây ra rễ cám mới được cho vào chậu vì đất cát vừa mát lại thoáng khí nên quá trình ra rễ nhanh hơn".
Ông Thanh lí giải tình trạng một số chủ vườn khi mua cây về vội vàng cho ngay vào chậu, ban đầu cây vẫn ra lá non nhưng đó là hiện tượng "sống giả" do trong cây vẫn còn một lượng nước nhất định, một thời gian sau hết nước cây héo dần rồi chết dần.
Theo những người dân chuyên nghề cây cảnh ở Huế, chơi cây đòi hỏi người chơi phải có niềm đam mê thực sự, "ăn ngủ" với cây, tuy nhiên đó mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để trở thành dân chơi cây chuyên nghiệp, thì còn cần năng khiếu. "Chơi cây mà không nhìn ra được thế của cây thì sẽ khó có thể sống được bằng nghề. Trước khi quyết định "rinh" cây này, cây nọ người mua đã tính được thế sẽ tạo cho cây khi mua về như thế đỗ, bay, lượn vòng... Người chuyên nghiệp khác "dân ngoại đạo" ở điểm đó", ông Thanh nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét