Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Non bộ trong vườn

Cây Cảnh Việt Nam - Non bộ là thú chơi tao nhã, giàu tính nghệ thuật được tạo nên bằng cách đục đẽo những phiến đá vô tri, uốn nắn những cây cỏ nhỏ bé thành hình dáng cổ thụ và thổi hồn vào vữa, hồ, đất để tạo nên một khung cảnh thiên nhiên thu nhỏ..
Non bộ trong vườn
alt
Nghệ thuật tạo ra một non bộ có thể diễn tả cô động trong ba từ “trí tuệ”, “dàn trải” và “uyển chuyển”. Những hòn đá thường đứng thẳng một mình (dàn trải), giữa chúng có những khe nhỏ thông nhau (thể hiện sự thông suốt của trí tuệ) và những hòn đá này chỉ cho phép nước chảy từ một vũng nhỏ trên đỉnh xuống từng giọt một, nhưng không quá nhanh. Đỉnh của các hòn đá làm non bộ thường có kích thước lớn hơn đế để tạo cho người thưởng ngoạn một cảm giác nhẹ nhàng nhưng thể các viên đá đang cất mình bay lên. Khi tạo ra hòn non bộ người ta luôn cố gắng đạt sự cân bằng giữa Âm và Dương, giữa sự liên tục và rời rạc. Vị trí đặt non bộ cũng có tầm quan trọng không kém. Trong một khu vườn nhỏ, những non bộ thường được đặt đối diện với bức tường trắng. Bức tường này sẽ có tác dụng như một tờ giấy vẽ “hình ảnh” những non bộ đó. Với một khoảng sân nhỏ, non bộ thường được sắp xếp rải rác.Còn đối với một không gian rộng hơn, có thể dựng những khối đá có kích thước lớn để tạo cảm giác như đang đứng trước một ngọn núi thật.Trong khu vườn phía trước nhà, non bộ được đặt ở khu vực ngay phía sau sảnh vào vườn để có thể hạn chế tầm mắt người xem nhìn thẳng vào phía trong khu vườn, làm cho không gian thêm phần bí ẩn và huyền ảoNgày nay, để có một không gian rộng rãi cho thú chơi này là rất khó, nên non bộ đã được đơn giản hóa và mang tính ước lệ cho phù hợp với khung cảnh.
Ở Việt Nam thường có hai kiểu tạo dáng non bộ:
Kiểu thứ nhất: tạo dựng lại những danh lam thắng cảnh, núi, sông, hang động, thác ghềnh nổi tiếng ở Việt Nam, như vịnh Hạ Long, Hòn Gà Chọi, Hòn Chồng, Hồ Ba Bể, Bích Động, núi chùa Non Nước, Hòn Vọng Phu, Tô Thị, v.v...Kiểu thứ hai: sáng tạo các dạng lạ của phong cảnh theo trí tưởng tượng hoặc theo thần thoại, các sự tích tôn giáo, các hình thể mỹ thuật theo qui ước cổ điển, các dạng linh vật như: Thiềm thử quá hải, Mãnh hổ khai địa, Phượng hoàng đảo dực, Sư tử hí cầu, Hoàng hạc hạ sơn ( một sơn thể ), Long phụng giao đầu, Lưỡng long tranh châu, Phụ tử tình thâm, Mẫu tử tình thâm, Đồng tử bái Quan Âm (hai sơn thể), Thiên địa nhân....

Khi tạo dáng non bộ phải tuân hành theo luật Năm không :
- Không xuyên tâm: điều cấm kỵ là để một lỗ xuyên từ bên này qua bên kia thân hòn non bộ, không ai dám tạo ra, nếu có sẵn trong tự nhiên cũng không được đụng đến giống như người có biệt tài song lại có tật.
- Không phản chủ: là phải có hòn chủ to cao, dứt khoát, giữ vai trò sinh mệnh của hòn non bộ - phân biệt rõ chủ khách...
- Không cắt đầu hòn núi chính, phải có phong thức là cao phong, không bị cắt bằng ngang đầu nhưng cũng không nên để đầu nhọn quắc không đẹp, làm sao cho ngọn núi phải nhấp nhô, không nhọn, không bằng, tự nhiên mới đẹp.
- Không triệt bộ: là phải có đường nhỏ để đi - hợp tình hợp lý chớ không bị dẫn đến đường cùng không có lối thoát...
- Không vô lý: nhà cửa, người, thú phải đúng tỷ lệ, không để mục đồng chăn trâu và ngư ông ngồi câu cá trên đỉnh núi, không để con dê, con trừu kế bên con beo, con hổ... Tóm lại phải thực tế, giống khung cảnh của thiên nhiên, trái ngược lại quy luật tự nhiên là không đẹp.
Hình thể núi gồm có thế cao phong, thế huyền nham, thế bích lập, thế viễn sơn, ...
-Thế cao phong: Ngọn cao vút, đầu núi hơn tròn để tránh vẻ khiêm tốn và thể hiện một hòn núi già cổ kính. Thân núi hơi phình to, tròn có ít hang hốc, cây cỏ lưa thưa và nên có một cây nhỏ thế huyền hay hoành ở gần đỉnh hay ngang lưng. Chân núi hơi thót vào, dưới chân núi có nhà, đình, tháp, người và vật, cây cối. Núi thường được đặt cao tầm mặt người xem tạo cho hòn non bộ càng có vẻ cao vút lên nhưng rất vững chãi.
-Thế huyền nham: Thế này cũng có một ngọn trông cao vút, chân vững vàng nhưng thế núi như treo, trong thế đổ gục. Trên ngọn có thể đặt đình tạ và một cây có thế huyền hay hoành để như ấn thêm ngọn núi xuống.
-Thế bích lập: Thế núi có một mặt phẳng đứng như tường vách, cũng chỉ cần một ngọn, chân núi vững chắc có thể thót vào ở một phía. Cây cối, bể cạn, vị trí đặt bể gần giống như thế cao phong.
-Thế viễn sơn: Gồm nhiều hòn núi xếp lô xô cao thấp, thoải dần từ tâm ra xa, có làn nước uốn lượn giữa các chân núi. Núi đặt dưới thấp hơn tầm mắt để khi nhìn dễ cảm thấy như một vùng trời nước bao la. Ngày xưa, các cụ thường chơi thế núi Viễn sơn, cho thế Cao phong là ngạo mạn, thiếu khiêm tốn. Nó chỉ được tạo ra bởi những người có chí ngang tàng, bất khuất. Thế núi huyền nham thường bị kiêng bởi sợ chủ của nó sẽ bị những sự đổ vỡ không hay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét