Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Cây cổ thụ - Linh hồn của Thủ Đô Hà Nội

Cây Cảnh Việt Nam - Trong trí nhớ và trong mắt cha tôi, Hà Nội cổ truyền tan biến dần cùng với sự ra đi của những cây cối mà kỷ niệm bám víu vào.Và, vào một dạo xuân, khi cây gạo gốc sần sùi thân cao ngất đứng trước đền Ngọc Sơn, hầu như mùa cuối cùng buông rơi những bông hoa ngô nghê, cha tôi lặng lẽ ra đi trên chiếc ghế, nơi ông tâm tưởng về lòng trung hậu giữa người đời, lòng trung hậu ngay cả với cỏ cây quanh ta.Đã đành, cây là cây. Mọc, lớn, chết. Chết già, chết thui, chết chặt. Thoát chết thui và chết chặt, thành cổ thụ.Cổ thụ, đứng giữa rừng, thân to, tán rộng, sống lâu mà trông vẫn cường tráng, vẫn ngây ngô.Cổ thụ, đứng đầu làng, cạnh những ngôi đền, đình và chùa, giữa người đời và thánh thần, nhìn thấy và nhịn chịu tất thảy, trông giống hệt các bô lão, phải gọi chúng là cụ mới phải. Nhiều khi chúng còn cao tuổi hơn cả những ngôi đình và nếp chùa, già nua hơn những con đường lát gạch móm mém. Và, giả dụ biết nói, chúng sẽ kể cho ta nghe câu chuyện miên mam về những niềm vui và những nỗi thống khổ của các kiếp người và kiếp cây. Làng quê ta đâu đâu cũng bắt gặp những cây - bô lão như thế. Muốn ngả mũ chào, muốn cài dắt nén nhang, tựa như đứng trước một ngôi miếu vô danhÔi, những cây đa, cây đề, cây si, cây bàng quê ta, bởi sao mà chúng đậm hồn Việt đến thế.
alt
Hoa sưa đường Trần Hưng Đạo
Cây cổ thụ đứng giữa phố phường hình như cũng thành thị hoá. Thành thị hoá không chỉ bởi chúng được đem trồng thành hành, thành lối hai bên đường hay ở các vườn hoa. Thành thị hoá bởi chúng, như người thị thành, phải chịu sự chen chúc, va chạm và lấn lướt. Thành ra cây ở đô thị nom khô, nom từng trải hơn cây ở làng. Khuôn mặt phố phường có thể hôm nay cũ kỹ và ngày mai có thể tươi trẻ lên, song những cây cổ thụ thì, dù là lá cứ xanh hoặc cứ rụng khi mùa đến, gốc rễ của chúng, tấm thân của chúng vẫn cứ già cỗi đi. Nhìn chúng, ta không thể không suy tưởng rằng cây cũng có tính cách, có tâm tư và có thái độ. Nhận rõ hơn là sự cam chịu, không nói lên lời, trên da thịt những cây cổ thụ ấy.Cha tôi, thời trước, thường kể cho tôi về những cây cổ thụ và những loài cây chỉ mọc ở Hà Nội. Ông nhớ chúng vanh vách, như Ông nhớ các căn nhà và chủ nhân trên các phố Hành Gai, Hàng Đào, Hàng Cân… Ông nhớ tới những cây gạo, vốn là đồ trang sức của chốn quê nghèo, không rõ vì sao lại mọc ở Hà thành lắm thế: một cây ở bên Nhà hát Lớn, chỗ khách sạn Hilton bây giờ, một cây mọc ở sát đường tàu điện, chỗ bệnh viện Đống Đa… Ông than thở về cái sự những cây đa, cao tuổi hơn vài lần các phố phường Hà Nội, bị giam nhốt trong một công sở ở phố Hàng Trống, ở sân sau của một viện bảo tàng. Ông kể về cái cây đa có từ thời phố Hàng Gai còn làm độc nghề in sách và bán sách, nay bị nhà cửa chen lèn, chặt đến nỗi không hiểu làm sao cái cây già khụ ấy còn chưa tắt thở. Ông kể về hàng cây cơm nguội trên một đoạn phố Lý Thường Kiệt, nơi một chiều đầu năm 1947, có chàng trai đất Hà thành giắt trái tạc đạn bên sườn, vác bao cát đặt lên vỉa hè, áp súng vào má, bắn Tây. Một viên đạn từ phía khác kết thúc đời chàng trai phong lưu. Chỗ anh yên nghỉ, trên một con phố ngắn, suốt mấy chục năm, cả thời Tây lẫn thời ta, hai hành long não đẹp như sắp đặt, nghiêng nghiêng cúi mình. Nay con phố này đã thành chợ, nhiều người, lắm hàng, thừa rác. Tiếng chặt thịt cầy nghe rền tai, ghê ghê.
Trong trí nhớ và trong mắt cha tôi, Hà Nội cổ truyền tan biến dần cùng với sự ra đi của những cây cối mà kỷ niệm bám víu vào. Và, vào một dạo xuân, khi cây gạo sốc sần sùi, thân cao ngất đứng trước đền Ngọc Sơn mùa cuối cùng buông rơi cùng buông rơi những bông hoa ngô nghê, cha tôi lặng lẽ ra đi trên chiếc ghế mây, nơi ông tâm tưởng về lòng trung hậu giữa người đời, lòng trung hậu ngay cả với cỏ cây quanh ta. Ông ra đi, như cây già, chết tại chỗ vậy.Cho đến bây giờ, mỗi lần đi trên đường Điện Biên Phủ (xưa kia là đường Cột Cờ), tôi chưa bỏ được thói quen đếm xem còn bao nhiêu cây đa để về mách lại với Ông.
title
Cây hoa sữa trên đường Nguyễn Du. Ảnh VIT
Mới đây, tôi có dịp đến một đất nước xanh - sạch - tươm và đẹp như thể một vườn hoa khổng lồ. Những thảm cỏ và luống hoa được chăm chút như cái thảm nhà mình. Những thân cây trẻ khoẻ, tán lá mỡ màng, không vương vấn bụi. Những toà nhà ngất trời không một vết nhơ bẩn. Sạch và tươm, tưởng đến mức vô trùng. Sạch và tươm, tưởng như không tưởng. Y hệt một mô hình kiến trúc tỉ lệ 1: 1. Lạ thay, ở chính cái vườn hoa - địa đàng ấy, bỗng dưng tôi nhớ tới Hà Nội với những con phố cũ kỹ, luộn thuộm, đầy kịt chất đời và vị sống. Những con phố che không xuể cái cũ, cái nghèo, cái duyên thầm của mình bởi những cây, những hàng cây cổ thụ. Chúng không đẹp như những cái cây ở đô thị giống như mô hình kia. Chúng là những bộ trang phục cũ kĩ, mộc mạc mà phố phường Hà Nội quê tôi ăn bận vào mình.Để thoả sức ngắm cây, tốt nhất là cưỡi lên xích lô hoặc xe ôm, cứ việc ngửa mặt, ngước mắt lên mà ngắm, mà ngẫm về cây vào cuối thu đầu đông, vào ban mai, khi nắng vẫn còn non và sương chưa tan hết.
  Phố tôi ngụ, hai bên mọc đều những cây bàng, cùng nghiêng đầu vào giữa lòng đường, che phủ những dãy nhà cũ và mới với hình hài kiến trúc hãm tài. Những cây bàng làm phố tôi ở giống hệt những con phố tỉnh lẻ khác, giông giống cả những con phố ở Huế, ở mãi tận Côn Đảo. Song, ở những nơi ấy, cây bàng, nhìn kỹ, có khác. Chúng bồng bột hơn.Trong làn sương sáng, rặng cây cơm nguội cuối đường Yên Phụ, trước lối rẽ vào khách sạn Thắng Lợi, quanh năm tán lá lưa thưa và màu lúc nào cũng vàng hoe hoe, cứ tưởng như chúng có bổn phận lưu níu cái đẹp của thu Hà Nội mà thực ra chỉ cảm nhận được vài ba chục ngày, mỗi năm.Tôi thuộc hàng cây đa trên đường Trấn Vũ, Quán Thánh, Yên Phụ và trên những con đường khác. Song tôi chưa thấy cây đa nào mà thân hình có dáng vẻ đồ hoạ và có sức biểu đạt như hai cây trồng trước đình Thanh Hà ở Ngõ Gạch. Chúng tưởng như đã được “chậu cảnh hoá”, không thể mọc cao và bành trướng ra, vì nơi đây con người qua lại phải ý tứ, kẻo va đụng vào nhau.
alt
Cây lộc vừng chín gốc ven Hồ Gươm. Ảnh VIT
    Ở Hà Nội, còn có những đường phố cây trồng theo quy củ từ thời Pháp thuộc; độc cây sấu, độc cây xà cừ, long não, sao đen… Những thứ cây trồng theo trật tự ấy, thoạt đầu chỉ cốt để lấy bóng mát, mọc lâu cũng có được tính riêng đâu. Nói đến đường phố nào, nhớ ngay đến hình ảnh cây cối ở đó, trước khi nhớ đến kiến trúc. Đường Phan Đình với bốn hàng cây sấu, đường Tràng Thi với hai hàng cây bàng rõ to, sao mà đẹp, mà sang, mà nhã đến thế. Đường phố bởi vậy mà có thương hiệu, thương hiệu tạo nên bởi cây. Núp dưới bóng cây hầu như là tất cả: Phật, thánh, thần, ma quỷ, nhà, quán, người đời… Ở Hà Nội, quán nào mà tìm được gốc cây, có đất rộng mươi mét vuông và có tán lá rộng là cuốn hút được khách đến với mình. Nơi những cái quán ấy, cây trở thành cái trụ của ngôi nhà không có mái, trở thành ông chủ của cái tiệm, tạm bợ mà bám trụ lại lâu. Người ta hẹn nhau đến quán này quán nọ, theo gốc cây. Riêng tôi có thói quen chiều chiều, gọi bạn, đến gốc bàng ở ngã ba phố Chân Cầm và Lý Quốc Sư, uống bia. Ở góc phố rộng hơn vài cái chiếu đôi ấy, hễ ngồi xuống là quên hết: sự chật chội, sự nhếch nhác, sự ngó nhòm đầy hiếu kỳ của những ông Tây bà đầm lướt qua trên những chiếc xích lô.Tôi cứ hay tự vấn, vì sao những cây ở các đường phố mới, vừa trồng mà thân đã có hình hài nghiêng ngả và cong queo, chẳng khác gì những ông cụ non. Thì ra, chỉ vì tiếc công, tiếc tiền và lười biếng mà những người cắm chúng xuống đất, không kẹp vào mấy cái que. Như người ta kẹp răng, cho đỡ vẩu vậy.Quả đúng là cây cối góp phần tạo nên một góc cái duyên, cái riêng của cảnh sắc Hà Nội. Và, nếu nói kiến trúc Hà Nội là một quỹ văn hoá - vật chất độc hiếm, một di sản đô thị thì cây cối cũng không thể tách rời khỏi cái vốn liếng ấy. Y hệt như sông hồ không thể tách lìa khỏi cái cơ thể thống nhất của Hà Nội
  Đã ai làm cái việc kiểm kê xem trong quỹ cây xanh Hà Nội, có những loại cây gì? Cây gì là phù hợp nhất, lợi ích nhất, đặc trưng nhất? Đã ai kiểm kê xem Hà Nội ta có bao nhiêu cây thuộc diện cổ thụ, đại cổ thụ? Đã ai nghĩ đến việc duy dưỡng chúng, giải thoát chúng khỏi những cái ôm quắp đến nghẹt thở bởi nhà phố? Đã ai kiểm kê xem những còn phố nào, những đoạn phố nào có những loại cây góp phần định đoạt diện mạo không lặp lại, cho chúng?Đã ai nghĩ đến việc bổ khuyết những loài cây quý hiếm đang mất dần, làm cho những con phố trở nên hẫng hụt? Ai nghĩ tới việc chữa trị những cây - bô lão đang thoi thóp?
Cây cổ thụ, một dạng di sản, góp phần gìn giữ bộ nhớ cho đô thị.Một lần tản bộ, nhận ra trên đường Trần Phú ở Hà Nội, người ta trồng sấu non vào chỗ những cây mới chết. Một lần tản bộ trên đường Lê Lợi ở Huế, thấy người ta trồng cây long não non vào những cây mới đổ.Mừng và hy vọng, thay cho cây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét