Khuất sau lưng vua Lý Thái Tổ, bên hồ Gươm là triển lãm cây cảnh của người Thăng Long trên đất kinh kỳ.Không gian tĩnh vì cây trầm mặc và người thưởng cây cũng lặng lẽ theo cây. Những thế cây xanh, cây si, cây tùng, bách, và có cả dáng đa, bồ đề... tạc thế cây ở dáng trực, dáng mẹ bồng con, phụ tử, huynh đệ... Những dáng cây cũng là tâm thế người chơi cây. Nhìn vào vỏ cây, vệt mốc trên đốt cây mà nghệ nhân cây cảnh đoán tuổi cây khá chính xác.Có cây vài chục năm, lại có cây xanh trăm tuổi, có doanh nghiệp trả tiền tỉ mà người chơi cây lắc đầu không bán. Người đất Thăng Long đi xem thế cây của nhau, học nhau lặng lẽ rồi về chăm chút dáng cây nhà mình.
Ông Hoàng Ngọc, nghệ nhân cây cảnh thừa nhận: chơi cây cũng phải có nội lực. Có tiền, và phải biết sử dụng đồng tiền vì cây. Nếu không, đồng tiền cũng có ma lực riêng, nó có thể xé toang hạnh phúc gia đình. Nhưng nếp nhà, nếp cây là một thứ văn hóa đặc biệt. Rất hiếm nhà giàu vì cây mà có con nghiện hút. Vì sức lực của người trồng cây cũng hai sương một nắng, không dễ như chơi xổ số. Họ phải lao động cật lực, đọc sách về cây cật lực, nếu không cây cũng không dễ trả ơn cho người. Với màu xanh của lá, vệt mốc của cây, họ nhìn ra dấu thời gian hiển hiện năm tháng đi qua, đang qua và sắp qua. Cây cho họ hơi thở, niềm đam mê riêng, khác với thú chơi gà chọi, có thể reo hò cá độ. Cây là để thưởng lãm trong cái nhìn tĩnh, chứ không động. Người sống ào ào khó chơi với cây. Không siêng năng tỉ mẩn càng khó gần với cây. Nỗi niềm cây gần với hồn người.
Anh Nguyễn Xuân Thanh cho hay, sắp tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, sẽ có tới 4.000 cây xanh của anh tài chơi cây khắp cả nước về đây họp mặt. Sẽ có một bảo tàng cây trong lòng người, vì những dáng cây là tâm thế người. Ấy thế, nên nhìn xuống một thế cây mà nhận ra một nhân cách lớn, khiến ta phải học cách ngước lên ngọn cây, và cúi xuống gốc cây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét