Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Đi tìm sự thật về cây sanh 120 tỉ trưng bày ở Mỹ Đình

- Hai từ “náo loạn” rất hợp khi mô tả quang cảnh diễn ra quanh “siêu cây sanh” đặt ở khuôn viên Bảo tàng Hà Nội, có cái tên rất ẩm thực “Mâm xôi con gà”. Cây sanh này thuộc sở hữu của đại gia Nguyễn Trung Thành, thường được giới chơi cây gọi là Thành “vàng”, bởi ông có một số cửa hàng kinh doanh vàng bạc ở Việt Trì mang tên Nam Thành.
Trước ngày diễn ra khai mạc triển lãm sinh vật cảnh nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, tôi đã có mặt ở khuôn viên Bảo tàng Hà Nội, chỗ giáp với Trung tâm Hội nghị Quốc gia, để ngắm những cây cảnh đẹp nhất, đắt nhất đến từ đất Tổ. Phú Thọ là tỉnh còn nghèo, thế nhưng, lại có nhiều đại gia chơi cây cảnh rất hoành tráng, sở hữu rất nhiều cây cảnh bạc tỉ, triệu đô. Những ngày trước khai mạc, tôi đã được ngắm cây sanh nổi danh thiên hạ nhiều năm nay: “Mâm xôi con gà”.
Tên :  mam soi con ga - dien dan cay canh.jpg Xem : 124 Kích cở :  52.1 KB
Chen chúc để chiêm ngưỡng cây sanh "Mâm xôi con gà".
Những ngày trước lễ khai mạc, ông Nguyễn Trung Thành cắm chốt ở Bảo tàng Hà Nội để chọn địa thế, sắp xếp cây theo thứ tự, chỉnh hướng cho , cắt đặt công việc cho các nhân viên bảo vệ. Hôm diễn ra khai mạc và những ngày sau đó thì không thấy bóng dáng ông đâu nữa. Không biết ông có ngồi ở góc nào lặng lẽ quan sát người đời thưởng lãm, trầm trồ “siêu cây sanh” của mình hay không?

8h sáng ngày mùng 6-10, bên trong khuôn viên Bảo tàng Hà Nội diễn ra lễ khai mạc triển lãm sinh vật cảnh toàn quốc. Bên ngoài bảo tàng, cả ngàn ôtô từ các tỉnh trong cả nước đổ về, chở hội viên ở các hội sinh vật cảnh, những người yêu cây. Dòng người đông đến nỗi đứng chen chúc quanh bảo tàng dài cả cây số. Lực lượng bảo vệ, công an phải làm việc cật lực mới ngăn được dòng người xô đẩy, yêu sách đòi vào ngắm cây.

Những người hâm mộ được chủ nhân tặng ảnh chụp cây sanh.
Hàng vạn cây cảnh, là những tác phẩm tuyệt mỹ đến từ khắp đất nước được trưng bày ở khuôn viên Bảo tàng Hà Nội rộng mấy chục héc-ta. Trong hành trình đi ngắm cây, tôi thấy khắp nơi bàn tán xôn xao về cây “Mâm xôi con gà”. Ai cũng hỏi đường, rằng: “Cái cây 120 tỉ đồng đặt ở đâu vậy?”.

Càng đi về phía đặt cây cảnh “Mâm xôi con gà” của đại gia Thành “vàng”, tôi càng thấy đông người. Khắp nơi người ta hỏi han về cây này. Và khi lễ khai mạc kết thúc, cửa Bảo tàng Hà Nội mở, dòng người ùn ùn đổ vào như lũ, thì khu vực đặt cây “Mâm xôi con gà” của ông Thành cũng kẹt cứng người.

Toàn cảnh cây sanh "Mâm xôi con gà".
Nghe chuyện người ta bàn tán về cây sanh này mà  cười. Có bà bảo, nghe đồn cây sanh này của ông buôn vàng, giàu có lắm, dát vàng vào bể đặt cây, nên muốn đến xem cái “bể vàng” ấy thế nào. Có ông thì bảo ông Thành “vàng” dùng vàng thay đá cho cây leo, nên cây sanh mới đắt bằng mấy ngàn lượng vàng chứ. Có người không hiểu biết gì về cây cảnh thì cứ đoán già đoán non rằng cái cây ấy được đúc bằng… vàng ròng.

Những ngày sau lễ khai trương, tôi đều tìm đến xem cây “Mâm xôi con gà”. Tuy nhiên, hiếm khi xuất hiện một khe hở để có thể chen vào dòng người quây kín “siêu cây cảnh” này. Tôi chỉ có thể đứng từ xa chụp đám người quây kín cây như thể khán giả quây quanh sân khấu, nơi một nghệ sĩ nổi danh đang biểu diễn. Chỉ tội cho mấy anh bảo vệ, còn vất vả hơn cả bảo vệ của bảo tàng lúc hàng vạn người xô nhau đòi vào xem cây trong lễ khai mạc.

Thân rễ xù xì, kỳ quái, mốc thếch nói lên tuổi đời khá già của nó.
Những người yêu mến, ngưỡng mộ, thần tượng cây sanh không thể chen vào ngắm cây trực tiếp thì được mấy anh bảo vệ cây sanh này tặng một tấm hình cỡ 15x20cm. Để tỏ lòng biết ơn với người ngưỡng mộ, ông Thành đã móc hầu bao phóng hàng vạn tấm ảnh, tốn 400 triệu đồng để tặng cho những người yêu cây.

Những tấm ảnh được đóng trong thùng cát-tông, chở xuống Hà Nội bằng ôtô. Vài nhân viên bảo vệ đứng xung quanh trông giữ cây, vài nhân viên làm nhiệm vụ phát ảnh miễn phí. Người ta đổ xô, chen nhau tranh cướp để có được tấm hình cây sanh đem về ngắm nghía, khoe với người thân. Với hàng vạn tấm ảnh được phát tán, người nọ truyền tay người kia, hàng triệu người không có cơ hội tận mắt cũng sẽ được mãn nhãn cây sanh. Riêng khoản hào phóng này đã đủ chứng tỏ đẳng cấp vượt trội của đại gia Nguyễn Trung Thành. Ông quả thật xứng với cái biệt danh người đời đặt cho: Thành “vàng”.

Thông tin về cây sanh và chủ nhân được gắn trên cây.
Cách đây vài năm, siêu cây cảnh “Mâm xôi con gà” này đã nổi danh thiên hạ, khiến nhiều người choáng váng, khi chủ nhân của nó tuyên bố có người trả 1,2 triệu USD, tương đương với gần 20 tỉ đồng thời giá lúc đó. Với tuyên bố này, cây sanh của ông Thành “vàng” đã lọt vào tốp những cây cảnh bạc tỉ. Lúc đó, lắm người ngưỡng mộ vì giá trị của nó, song cũng lắm người mỉa mai: “Ai mua mà bán!”.

Chẳng biết giá trị thật của nó thế nào, nhưng cứ có cái con số 1,2 triệu đô treo lơ lửng trên cành, thì người ta ùn ùn đổ về xem. Trong số đó, người mê cây cũng có, nhưng phần nhiều vẫn là người hiếu kỳ. Có những triển lãm diễn ra ở Việt Trì, người ta ùn ùn kéo đến không phải xem cây trong triển lãm, mà để ngó xem cái cây 1,2 triệu đô nó thế nào, có phải nó được bọc vàng không.

Thôi thì đủ các kiểu thể hiện sự đam mê quanh cái cây này được dệt nên. Nào là có ông ở tận Sài Gòn đáp máy bay ra Hà Nội, rồi thuê taxi chạy lên Việt Trì chỉ để ngắm cây một lần cho mãn nhãn. Rồi thì giới chơi cây ở mãi nước nọ nước kia cũng “không thể chịu nổi vì tò mò”, đã đáp máy bay sang xem cái cây ở đất nước nghèo khổ viễn Đông này đẹp ra sao. Họ tiện đi công tác, hoặc du lịch rồi ghé vào xem cây hay bỏ tiền đống sang Việt Nam chỉ để xem cái cây ấy thì ai mà biết được. Tuy nhiên, những thông tin tưởng chẳng có gì quan trọng ấy, lại góp phần làm nên giá trị của cây cảnh.

Cây sanh phải chắt chiu nguồn dinh dưỡng vô cùng ít ỏi để sống.
Cho đến hôm nay, khi Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã bế mạc, lễ khai mạc triển lãm sinh vật cảnh cũng đã diễn ra được vài ngày, song dòng người ùn ùn đổ về xem siêu cây “Mâm xôi con gà” vẫn không vãn đi mấy. Chỉ khổ mấy anh bảo vệ, phải làm việc ngày đêm, quên cả ăn . 4 người 4 góc, liên tục nhắc nhở, cáu gắt, không cho ai động vào cây. Dù ngón tay mềm mại búp măng của chị em muốn sờ vào cái rễ xù xì mốc thếch kia cũng không được. Hàng vạn người xem, ai cũng muốn sờ một cái, thì đến đầu rùa bằng đá còn mòn nói gì đến thân cây bằng gỗ!

Mỗi ngày, mỗi anh bảo vệ không biết phải trả lời người thưởng lãm bao nhiêu lần cái câu này: “Cây này trị giá 120 tỉ đồng”, “Cây này trị giá 6 triệu đô”, hoặc “Không có 120 tỉ thì đừng nói chuyện mua bán”…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét