Dù đang sống bằng nghề trồng hoa nhưng họ cũng đã nghĩ đến nghề khác trong tương lai. |
Giờ đây cái thú lên làng hoa mua cây cảnh về chơi Tết của người Hà Nội đang bị lùi dần vào dĩ vãng. Bởi làng đào Nhật Tân đã nhường chỗ cho khu đô thị mới Nam Thăng Long, làng hoa Ngọc Hà nổi tiếng đất Hà thành cũng chỉ còn trong ký ức.
"Tôi có thói quen là cứ 23 tháng Chạp lại lên Nhật Tân, Phú Thượng chọn một cây đào thế về trưng trong nhà mấy ngày Tết. Đi giữa vườn hoa thắm sắc đào, được tự tay chọn một gốc, và nói chuyện phiếm với chủ vườn về cách chơi đào còn gì thú hơn. Thế nhưng Nhật Tân hôm nay chỉ toàn là những nhà cao tầng, bóng hoa đào chỉ khiêm tốn nép mình trong một vài vuông đất nhỏ". Anh Hùng nhà ở phố Hàng Buồm tiếc nuối. Quả thật, những cánh đồng hoa đào ngút tầm mắt giờ chỉ còn 137 hecta, rải rác ở hai xã Nhật Tân và Phú Thượng. Phần lớn đất đai tại khu vực này được thành phố xây dựng khu đô thị hiện đại Nam Thăng Long. Với diện tích ít ỏi còn lại, hiện tại, chỉ còn khoảng gần nửa hộ dân vốn đã trồng đào lâu đời trụ lại được với nghề. Họ lo lắng không chỉ bởi làng nghề đang có nguy cơ bị mất mà còn vì người Hà Nội đang bị thiếu dần đi một nét văn hóa sinh hoạt rất độc đáo.
Vĩnh Tuy giờ chỉ còn vài hộ đủ đất để trồng hoa. |
Cách đây gần 10 năm, với sự phát triển khá mạnh của làng hoa Vĩnh Tuy, nhiều người hy vọng nó thay thế được những địa danh quen thuộc như Ngọc Hà và Nhật Tân. Nhưng cuối cùng nơi đây cũng không đủ sức chống đỡ lại cơn sốt đất của thủ đô. Người ta đua nhau cắt đất, bán ruộng, để rồi giờ đây, làng đã thành phố. Bà Hòa, trước đây từng trồng và đi bán hoa rong nói thẳng tuột: "Bán miếng đất sống được cả đời nhưng cả đời làm hoa chưa chắc đã mua nổi miếng đất". Triết lý này đã được đúc kết sau những cơn sốt đất đã đem lại cho bà ba ngôi nhà tầng khang trang và khoản tiền không nhỏ trong ngân hàng.
Theo ông Trịnh Huy Tạo, cán bộ chuyên trách nông nghiệp của Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai (quận mới của Hà Nội), xã chỉ còn 30% đất dành cho trồng hoa, cây cảnh. Chính quyền cũng đã xác định đẩy ngành nông nghiệp này xuống hàng... ưu tiên thứ 4 của quận. Vậy là cái xã trước ngập trong hoa giờ lại chìm trong tiếng gò hàn sắt thép, tiếng xe vận chuyển vật liệu xây dựng. Những khoảnh đất bị quây kín bằng những hàng gạch tạm hoặc bởi những ngôi nhà kiểu dáng tân kỳ. Ông Tạo tâm sự: "Cứ đà này thì chỉ khoảng 3-4 năm nữa, làng hoa Vĩnh Tuy cũng sẽ mất tích như Ngọc Hà. Cung cấp hoa cho Hà Nội giờ chỉ còn Tây Tựu".
Tây Tựu thuộc huyện Từ Liêm nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội tới gần 30 km. Với lợi thế là xã ngoại thành, diện tích đất nông nghiệp lớn, nghề trồng hoa ở đây đang phát triển rất mạnh. 100% đất trồng lúa đã được người nông dân chuyển sang trồng hoa. Thu nhập nhờ đó mà tăng lên đáng kể, cao hơn 3-4 lần trồng lúa.
Nếu chăm tốt, thời tiết không biến đổi nhiều, những bông hoa này sẽ nở đúng vào dịp Tết. |
Tuy nhiên, Tây Tựu cũng mới chỉ mới bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển làng nghề chứ chưa thật sự đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu. Mục tiêu đặt ra của xã là trong 1-2 năm tới, với sự đầu tư của Nhà nước, là chất lượng hoa phải đủ đạt xuất khẩu. Trước mắt, xã sẽ được xây dựng một chợ đầu mối mua bán hoa, trong đó bao gồm cả nhà bảo quản hoa. Tuy nhiên, hiện nay nông dân làng hoa này đang hoạt động theo kiểu tự phát, cái gì có nhiều lãi thì thì dồn hết vào cái đó. UBND xã cũng phải thừa nhận, sự thiếu định hướng chung đã khiến làng hoa phát triển chưa đồng đều. Cuối cùng thì đến ông chủ tịch xã không còn cách nào khác là phải sang tận Trung Quốc để học hỏi cách quản lý.
Còn đến hơn một tháng nữa mới đến Tết nhưng giá hoa trên thị trường đã tăng vòn vọt. Cái nghề trồng hoa quanh năm lo cắt tỉa từng chiếc lá cũng chỉ chờ mỗi mấy dịp lễ tết. Chỉ trong vòng một tuần, giá một bông cúc đã từ 400 lên 1.000 đồng. Hoa Tây Tựu dù chưa đẩy được hoa Đà Lạt ra khỏi Hà Nội nhưng lại có lợi thế về giá rẻ.
Người dân Tây Tựu dù đang "ấm" với cái nghề đưa họ khá lên nhưng cũng đã bắt đầu nghĩ đến tương lai. Câu chuyện bên thửa ruộng ngoài về hoa còn là chuyện tương lai làm gì, đầu tư gì. Anh Nguyễn Thanh Phương triết lý: "Ngọc Hà có tiếng là vậy mà còn chìm. Nhật Tân mạnh thế cũng đang mất dần. Tất cả đều bị cuốn theo dòng đô thị hóa. Về sau thành phố mở rộng thì liệu Tây Tựu có bị đô thị hóa không?". Thừa nhận lo lắng này, bà Đỗ Thị Lương, Phó chủ tịch xã cho biết, nếu xét mục đích phát triển lâu dài thì xã sẽ nhắm đến du lịch.
Những người yêu hoa Hà Nội thi thoảng vẫn xuống Tây Tựu chơi như để lưu giữ một chút kỷ niệm xưa. Ai không có điều kiện thì đành vào những vườn sinh vật cảnh có rải rác trong thành phố. Kỳ công hơn một chút thì chịu khó dậy vào lúc 3-5h sáng đến những chợ hoa đầu mối như Quảng Bá chỉ để lấy vài mớ hoa tươi. Những cái tên làng hoa mới như Tây Tựu (Từ Liêm), Mê Linh (Vĩnh Phúc), Vân Nội (Đông Anh)... đang dần trở nên quen thuộc. Chợt thấy tiếc cho những Nhật Tân, Nghi Tàm, Ngọc Hà, Vĩnh Tuy...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét