Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Miệt mài học tập để theo đuổi nghề bonsai

Trước khi thực hiện một tác phẩm tôi phác thảo ý tưởng ra giấy, sau đó tập làm bằng mô hình dây kẽm rồi vận dụng vào “đứa con” của mình. Để có một tác phẩm ưng ý tôi phải đổi lấy cả sức lực, mồ hôi và máu. Nhiều lần tôi bị dây kẽm nén vào tay sưng vù, rỉ máu.

Giống như bao đứa trẻ lớn lên từ vùng quê “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này, tôi lớn lên trong sự chật vật thiếu thốn về vật chất; về tinh thần tôi cũng không có được may mắn như các bạn. Mẹ tôi mất trong một cơn bạo bệnh khi tôi vừa tròn bốn tuổi, ba ở vậy “gà trống” nuôi 6 đứa con khôn lớn trưởng thành. Anh em tôi bảo ban cùng nhau cố gắng và san sẻ công việc giúp ba trong việc chi tiêu hằng ngày, cộng thêm khoản nợ to đùng mà trước khi mất mẹ để lại. Ba muốn tất cả anh em tôi được học hành đến nơi đến chốn nên cố gắng hết sức có thể để chúng tôi được đến trường.
Tôi thấm thía được cảnh đói nghèo cộng với ước nguyện của ba mẹ nên cố gắng học tập thật giỏi để vào đại học. Trước khi bước vào ĐH Nông nghiệp tôi cũng không nghĩ là mình sẽ theo đuổi ngành Sinh vật cảnh, ước nguyện của tôi cũng như ba mẹ, anh chị, là tôi sẽ thi được vào một ngành Kinh tế. Nhưng cuộc đời là vậy, không thể nói trước được điều gì. Tôi đăng ký thi cả hai khối nhưng trượt khối A, còn khối B đỗ. Việc đăng ký thi vào ngành sinh vật cảnh tôi chỉ đăng ký cho vui theo cùng sở thích của đứa bạn thân.
Thú thực khi nhập học về ngành sinh vật cảnh tôi cũng không có hứng thú gì. Tôi bị stress mất mấy ngày cho việc quyết định nhập học của mình. Tôi không muốn ôn lại một năm nữa, không phải vì tôi không có ý chí mà vì tôi muốn học tập thật nhanh chóng ra trường và đi làm ngay. Gánh một phần giúp ba và 4 đứa em đang tuổi ăn tuổi học.
Mấy tháng buồn chán rồi cũng trôi qua nhanh chóng. Tôi lao vào học và chỉ biết học để sau này tạo cơ hội thuận lợi khi ra trường và đi làm. Trong tôi lúc đó cũng suy nghĩ “mình theo học một nghề nào đó rồi sau này chuyển sang làm kinh tế cũng chưa muộn vì cũng từng có nhiều người không học ở trường lớp về kinh tế mà sau này làm kinh tế lại rất giỏi”.
Để khuây khỏa tháng ngày nhàn rỗi cũng như tạo nguồn thu nhập cho bản thân nơi đất Hà thành tôi đi làm thêm, từ gia sư, chạy bàn, cho đến làm nhân viên phát quà. Vào dịp sát Tết năm tôi học năm nhất, thằng bạn thân rủ rê “đi làm part time không mày? Công việc này khá thú vị lại liên quan đến nghề nghiệp của mình sau này nữa, việc nhàn, lương lại cao”. Nghĩ đến cụm từ “việc nhàn, lương lại cao” tôi đồng ý ngay. Tôi và thằng bạn vào làm tại vườn đào Nhật Tân, công việc của chúng tôi là cắt tỉa, tuốt lá, vun gốc, bón phân, ép thúc để cho cây nở hoa đúng vào dịp tết.
Dần dần khi thạo việc tôi được các nghệ nhân nơi đây truyền bí quyết cách uốn cây làm sao cho đẹp, cho đúng phom, dáng mà nhiều người thích. Tôi mê hồn những chậu đào, quất được các nghệ nhân tạo dáng con rồng, nhiều con thú đẹp lạ mắt. Tôi mạnh dạn xin được thử sức tạo dáng một cây đào trong vườn, chú chủ vườn đồng ý cho tôi thử sức với một cành đào.
Và một tác phẩm vào cuối vụ của tôi chưa được gọi là “tuyệt tác” nhưng theo ý kiến của chú chủ vườn với một người còn non tay nghề như tôi, việc tạo được một cành đào có “thần thế” như vậy là đạt rồi. Chú ấy còn khen tôi có năng khiếu. Tôi như có thêm động lực, phấn khích và thấy yêu công việc này hơn bao giờ hết.
“Thôi thì mình chọn nghề không được thì nghề chọn mình vậy, âu cũng là cái duyên số”, tôi tự động viên mình như thế. Tôi bắt đầu lân la vào các trang mạng để tìm hiểu về nghệ thuật tạo cây cảnh và xây dựng, vạch kế hoạch “vào đời” với nghề ngay từ lúc đấy. Nghề bonsai quả là rất thú vị. Tôi sẽ làm giàu với nghề mà tôi lựa chọn. Nghề lại khá phù hợp với một cậu con trai khá khéo léo và giàu trí tưởng tượng như tôi.
Ra Tết, ngoài làm việc tại vườn đào Nhật Tân, tôi còn xin làm thêm ở một nơi chuyên tạo cây cảnh. Khi bắt tay vào làm ở cơ sở mới này bao khó khăn, thử thách áp lực đè nặng lên một tay nghề còn non trẻ như tôi. Nhưng điều đó không làm tôi nhụt chí mà tôi càng có quyết tâm hơn. Tôi chăm chút nhìn từng cử chỉ, thao tác mà các bậc tiền bối làm rồi ghi chép cẩn thận vào một quyển sổ nhỏ.
Tôi lấy khoản tiền tích cóp được trong những lần làm thêm mua các cây cảnh còn “hoang dại” chưa qua “uốn, nắn” về làm thử. Trước khi thực hiện một tác phẩm tôi phác thảo ý tưởng ra giấy, sau đó tập làm bằng mô hình dây kẽm rồi vận dụng vào “đứa con” của mình. Để có một tác phẩm ưng ý tôi phải đổi lấy cả sức lực, mồ hôi và máu. Nhiều lần tôi bị dây kẽm nén vào tay sưng vù, rỉ máu.
Bonsai chủ yếu là nghệ thuật chọn một cây có tiềm năng trở thành một cây cảnh thu gọn, đẹp, rồi trồng nó trong sự chăm sóc thường xuyên, đầy đủ và trìu mến, sao cho nó thích hợp một cách hài hòa với chậu để diễn tả một vẻ đẹp của thiên nhiên. Mỗi chủng loại cây có nhu cầu chăm sóc khác nhau. Hàng ngày tôi phải theo dõi chi tiết các chế độ về thời tiết như ánh sáng, nước, phân bón có ảnh hưởng gì đến tác phẩm của mình hay không.
Đồng thời, sự cắt tỉa, thay đất, thay chậu, quấn dây và những kỹ thuật lão hóa… đều cần thiết tạo một dáng mà tôi mong muốn. Cách tạo bonsai cũng cần có một lập trình, trình tự bài bản, không được nóng vội. Tôi nhớ đến một nghệ nhân trong nghề bonsai từng nói “Việc tạo uốn cho cây giống như nuôi nấng một đời người vậy, uốn nắn từ trẻ thơ, cho đến khi trưởng thành”.
Ở đâu có hội thi tay nghề bonsai tôi đều tận dụng thời gian để tham dự. Việc đi nhiều, tham quan và giao lưu, tôi mở rộng thêm tầm hiểu biết của mình và biết được xu hướng thị trường hiện nay cần loại mẫu, kiểu dáng gì để vận dụng vào “đứa con” của mình. Đến với nghề, say nghề, tôi biết được muốn có một cây bonsai thiết kế đẹp cần có sự cân bằng toàn diện, từ sự tạo hình, uốn nắn cấu trúc của cây đến sự kết hợp giữa cây và chậu.
Nên để rễ cây ăn lan lộ ra trên mặt đất sẽ làm tăng thêm ấn tượng về sự trưởng thành và tính chất của cây. Đây là một trong những nét đặc trưng thú vị nhất của nghệ thuật cây cảnh. Rễ cây cần lan ra nhiều hướng quanh thân và bò rộng ra, tạo cho thân cây chỗ tựa chắc chắn.
Tôi chấp nhận làm việc ở một nơi tạo dáng nghệ thuật khá bài bản quy mô, với một mức lương thấp để đúc rút kinh nghiệm cho bản thân. Nếu so với các bộ môn nghệ thuật kinh điển như: hội họa, kiến trúc, điêu khắc, thi ca… thì bonsai chưa có thể sánh bằng, nhưng với những gì bonsai mang lại đó là cả một quá trình lao động vất vả và nghiêm túc của người nghệ nhân.
Trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội tại Bảo tàng Hà Nội tác phẩm của tôi đã may mắn khoe sắc đường nét cùng với các tác phẩm bonsai của nhiều tác giả trên mọi miền tổ quốc. Tôi thấy vui hơn mỗi khi có ống kính máy ảnh chĩa về phía tác phẩm của tôi và bấm không ngớt. Điều đó đã khích lệ, tiếp thêm động lực giúp tôi càng gắn bó hơn với nghề bonsai.
Giờ đây, sau khi học tập miệt mài 4 năm ở trường cũng như những kinh nghiệm thực tế từ cuộc sống, tay nghề của tôi đã khá ổn định, nhưng không vì thế mà tôi ngừng phấn đấu học tập để tay nghề của mình ngày càng nâng cao hơn. Con người chúng ta còn nhiều điều bí ẩn mà ngay cả bản thân vẫn không thể phát hiện ra được những tiềm năng bí ẩn đó.
Điều quan trọng là chúng ta phải đánh thức được tiềm năng của mình để điều bí ẩn thành điều kỳ diệu. Điều kỳ diệu ấy không chỉ ngày một ngày hai hình thành mà có nên, nó được hình thành từ những cố gắng, nỗ lực cộng với những kế hoạch, những dự định rõ ràng. Các bạn hãy lập trình tương lai cho mình và tìm ra điều kì diệu nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét