Trong những kỹ năng giữ chồng, các chuyên gia thường nhấn mạnh đến việc người vợ phải luôn tươi cười vui vẻ, thương yêu, chiều chuộng chồng con.
>> Ngoại tình và chuyện cặp bồ với... vợ cũ
>> Anh gây sự với tôi để kiếm cớ ngoại tình
>> Osin thèm của chua, chồng tái mặt
>> Anh gây sự với tôi để kiếm cớ ngoại tình
>> Osin thèm của chua, chồng tái mặt
Nhưng thử nghĩ, người đàn bà nào có thể giữ được nụ cười tươi tắn trên môi khi biết chồng vừa mới tình tứ, lả lơi với một em đồng nghiệp non mướt ở cơ quan? Không nổi khùng lên, khóc lóc la hét như một con điên, không ghen lồng ghen lộn, rình mò bắt tận tay day tận trán bằng được đã là may mắn lắm rồi, tự chủ bình tĩnh ghê gớm lắm rồi.
Những lúc ấy, ai bản lĩnh lắm mới giữ được vẻ mặt như thường ngày, có lạnh lùng hơn chút là chuyện đương nhiên, khó mà có thể “tươi cười, vui vẻ, thương yêu, chiều chuộng” được.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. |
Không thấy thì không biết
Vậy cách nào để vui vẻ đây? Chỉ có cách là “vô tư”, không biết. Con người ta, cái gì không biết thì không quan tâm, không buồn không vui, không khởi động thất tình lục dục. Người ta bảo phải “không nghe, không thấy, không biết”. Nhưng đến vậy thì thành thiền sư cả còn gì. Thực tế, có khi nghe tin này tin nọ, bán tín bán nghi, nhưng rồi cái gì không nhìn thấy thì coi như không biết - cách hành xử này có thể được coi là một trong những cách “thiền” của chị em hiện đại.
Thúy Vi, cô nhân viên ngân hàng xinh xẻo, bà mẹ hai con, vẫn tự hào về chuyện “tôi không cần biết”. Cô bảo, đàn ông bây giờ đều là hạng dễ hư hỏng, có khác chỉ là hư chủ động hay hư bị động mà thôi. Nhưng lại không kiếm ra đàn ông nào không hư hỏng, nên phải có cách “xài” riêng, phù hợp với loại “hàng hóa dễ hư” này. Hơi đâu mà suốt ngày quạu cọ, rình mò, xem lén điện thoại, canh giờ về, gọi điện kiểm tra. Hơi đâu mà nấu cơm rồi ngồi chờ cửa. Hơi đâu mà cộng trừ chi tiết lương tháng, xem thiếu đủ, xem còn khoản nào khác nữa không…
Vì không cần biết những việc ấy, Thúy Vi luôn luôn tỏ ra dễ thương, vui vẻ, “bơ” hết tất cả những gì cô không muốn biết. Cô bảo dành thời gian ấy để chăm sóc bản thân, để tự tin mà dễ thương vui vẻ. Tiền của mình cô để dành riêng một ít, phòng khi chồng đưa không đủ thì cũng còn cái để bù, thuê người làm để đỡ bớt việc nhà… Việc gì xảy ra ngoài kia, chồng có tung tăng với đứa nào không… Vi coi như chuyện người khác, miễn sao chồng cô cứ về nhà, dĩ nhiên là mang tiền về theo. Đóng vai một cô vợ nhỏ bé, yếu đuối, mỏng manh luôn cần sự che chở của chồng, cô vui vẻ với cuộc sống của mình, coi đó là hạnh phúc.
Sau hai lần bắt quả tang chồng bao gái, thuê cả nhà trọ cho ở, bà Thịnh quá chán ngán với việc rình mò, dọa dẫm, khóc lóc ghen tuông. Bà tuyên bố: ông muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, miễn sao đừng để đến tai mắt bà, đừng để con cái biết chuyện và vẫn phải chăm lo chu toàn cho cả nhà. Ông Hải, chồng bà, thề sống thề chết là sẽ không bao giờ tái phạm, nhưng bà Thịnh phẩy tay, bỏ ngoài tai. Bà biết, thế nào rồi ông cũng quơ tiếp một em nào đó, cũng lại hứa hẹn ngọt ngào, chi tiền bao rộng rãi. Đó đã là cố tật khó sửa mất rồi. Bà cũng muốn làm tanh bành mọi chuyện rồi đến đâu thì đến, cho ông mất chức mất quyền, nhục nhã với con cái, làng xóm, cơ quan.
Bà đã tìm gặp chuyên gia tư vấn, hỏi xem cách nào “đánh một đòn cho thằng chả thân bại danh liệt”. Nhưng rời khỏi văn phòng tư vấn, một quyết định khác đã hình thành trong đầu bà. Tội gì mà ly hôn, tội gì mà gào khóc ghen tuông, mệt người mà tàn phai nhan sắc. Ly hôn bây giờ bà chỉ mất mà không được thêm gì: mất một nửa sản nghiệp này, mất cái “máy in tiền” mang tên chồng kia, mất một đứa con; ông mất quyền mất chức thì bà cũng mất luôn địa vị bà lớn, công ty con của gia đình chắc cũng phải chia đôi, mà đã chia thì chỉ có lụn bại… Thà coi như không biết, ông muốn mèo mỡ gì ở đâu mặc kệ, bà cứ ở nhà yên ấm thu vén gia sản trong tay, đố ông dám bỏ cơ nghiệp này…
Được và mất
Bài toán “được và mất” chính là động lực để những người đàn bà tự “vặn đầu mình ngó lơ” qua chỗ khác, mặc kệ ông chồng hoa lá cành cao cành thấp, coi như không biết là hơn. Nhiều quả cân đã được chị em bỏ lên đĩa cân, cho ngang bằng với sức nặng nghìn cân của nỗi ghen tuông ngùn ngụt. Quả cân đầu tiên nặng đáng kể thông thường là con cái: cuộc hôn nhân tan vỡ, những đứa trẻ sẽ mất cha. Những quả cân tiếp theo có thể là tài sản, nhà cửa, tiền bạc; có thể là cơ hội làm lại: đàn bà một lần lỡ dở khó mà tìm được hạnh phúc tiếp theo; có thể là hàng trăm lý do khác lẫn lộn trong nỗi sợ hãi phải đương đầu với một thách thức quá quyết liệt. Họ chọn cách rụt lại, lùi lại và dựng quanh mình một bức tường chắn hết những gì có thể làm họ tổn thương.
Tuy nhiên, không có bức tường nào ngăn được hết gió sương. Đa phần các bà vợ vẫn biết chuyện gì xảy ra ngoài kia, chỉ có điều, trong tư thế mắt nhắm mắt mở, họ chấp nhận mình đã phần nào thua cuộc. Khi biết chồng dù đang tỏ ra chăm sóc vợ con, nhưng còn rất tận tâm chăm sóc thêm một em khác, Thúy Vi cũng muốn chống nạnh lên, trợn mắt huỵch toẹt mọi điều, vạch trần cái bộ mặt giả dối kia, xem thử rốt cuộc ai diễn giỏi hơn ai. Nhưng tính đi rồi tính lại, trong kịch bản tốt nhất của tương lai, khi cô có thể vừa giữ được con vừa xây dựng lại gia đình mới, cô vẫn nghĩ sẽ chẳng tìm được người đàn ông nào yêu con hơn chồng mình. Còn tình yêu, sự chung thủy… cô đã không còn tin vào nó nữa - chỉ có mình mới yêu được bản thân mình mãi mãi mà thôi. Cuối cùng, Thúy Vi tiếp tục chấp nhận làm con búp bê xinh xẻo và vui vẻ trong căn nhà nhỏ. Cô truyền lại kinh nghiệm cho bạn bè, coi như mình đã vượt qua được một cơn sóng gió, chọn được một cách sống khôn ngoan, yên thân, chơi “tay trên” trong ván cờ hôn nhân hiện tại.
Nhìn thực tế ngay trước mắt, họ có thể đang “được”: được một gia đình đầy đủ cha mẹ cho con, được một ông chồng danh nghĩa, được một cơ ngơi nào đó khả dĩ có thể đảm bảo cho sự yên ổn… Nếu khéo diễn, như Thúy Vi, có thể còn được cả hình ảnh vợ chồng hạnh phúc, được sự chiều chuộng của chồng.
Song thực ra, họ đã đánh đổi bằng cái giá không hề nhỏ: thời gian và hạnh phúc của mỗi người. Tất cả những gì đang có chỉ là cái vỏ. Sự thỏa hiệp biến cả hai thành những kẻ giả dối, “diễn” nhiều hơn sống. Đến khi con người thật trong họ lên tiếng, muốn sở hữu hạnh phúc thật sự của đời mình thì thời gian hầu như cũng đã cạn. Từ góc độ bản thân, người phụ nữ có thể nghĩ mình đang tự bưng tai bịt mắt cho mọi chuyện yên ổn, đó cũng gần như là sự tự hy sinh, cho gia đình, cho con cái. Nhưng từ một góc độ khác, đó đồng thời cũng là một cách sống có phần ích kỷ, nghĩ đến cái “được” của bản thân, áp đặt cái “được” của bản thân cho người khác, trong khi đối với các thành viên trong gia đình, đó chưa chắc đã là cái “được”, thậm chí đó có thể là sự lừa dối - được nhưng thực ra là mất: mất niềm tin, mất tình yêu thật sự.
Tất nhiên, cần loại trừ trường hợp các bà sử dụng chiêu giả đò ngó lơ, coi như không biết, để rảnh tay lo việc của riêng mình: chuẩn bị cho một cuộc “đảo chính” ngoạn mục. Trong trường hợp này thì bên nào giỏi giấu quân mai phục bất ngờ, bên ấy thắng. Tuy nhiên xét cho cùng, khi hôn nhân biến thành cuộc chiến, sẽ không có người nào thắng, chỉ có người bại mà thôi…
Theo Giadinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét