Dừa phế thải trong các thùng rác, vương vãi ven lề đường được một số người thu gom bán cho các cơ sở chế biến mứt tết. Loại nguyên liệu bẩn này sau khi chế biến được đóng gói tung ra thị trường.
Điểm chế biến mứt từ dừa phế thải của bà Dung nằm trênđường Trần Quốc Toản, Q.3, TP.HCM - Ảnh: A.Thoa |
Ngày 6/1, một phụ nữ tên Liên vừa đi nhặt rác vừa thu gom vỏ dừa phế thải dọc công viên 30/ (Q1, TP HCM), cho biết: “Gần tết, loại dừa phế thải này hút hàng lắm. Bình thường chẳng ai lấy nhưng những tháng cận tết, nhiều người đi thu gom loại dừa này về làm mứt. Nhìn dơ vậy chứ về làm ra mứt thơm ngon lắm”.
Thu gom dừa rác...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần tết, loại dừa phế thải được các cơ sở mua với giá 500 đồng/vỏ, thậm chí có cơ sở còn mua loại vỏ dừa phế thải này với giá 1.000-2.000 đồng/vỏ.
Khi khách uống nước dừa ném vỏ ven các con đường vào công viên, dưới các gốc cây hay trong thùng rác đều được bà Liên thu gom. Gần 18h, bà Liên cúi nhặt hai vỏ dừa ruồi nhặng bu đầy bên thùng rác ven đường Hàn Thuyên, ngoảnh lên khoe: “Tuần rồi, tui bán dừa phế thải được hơn 600.000 đồng lận đó”. Nói đến đó, thấy hai thanh niên cầm vỏ dừa bỏ vào thùng rác, bà Liên nhanh chân chạy lại nhặt và bỏ vào một bao tải chờ người đến thu gom.
Ngày 9/1, chúng tôi bám theo chiếc xe ba gác của Tùng, một thanh niên chuyên thu gom dừa ở cổng bệnh viện, trường học, công viên và các xe bán nước lề đường. Lúc này, Tùng chạy qua khu vực quán nước trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy thu gom hơn 40 vỏ dừa, rồi tiếp tục chạy ra đường Nguyễn Tri Phương ghé vào lấy vỏ dừa tại quán cà phê TN. Lúc này, thấy thùng rác gần khu vực vòng xoay đường Nguyễn Tri Phương có bốn vỏ dừa đã úa màu vàng, Tùng nhanh chóng xuống xe thu gom rồi chạy về nhà trọ trên đường Lạc Long Quân, Q.11 để giao cho các cơ sở làm mứt tết.
Tùng cho biết: “Họ uống xong, ném vỏ thì mình nhặt đem đi bán lại cho các cơ sở sản xuất mứt tết ở Xóm Đất”.
Một trong những điểm thu mua dừa thải về làm mứt tết là lò bà Dung. Điểm thu mua và sơ chế mứt dừa của bà Dung nằm ngay góc đường Trần Quốc Toản và Nguyễn Văn Trỗi, Q.3. Hằng ngày bà Dung và những người làm mứt dừa ở lò này đi thu gom những trái dừa từ các đầu mối “chân rết”. Hầu hết những đầu mối này đều đi gom vỏ dừa của khách ven đường sau khi uống hết nước bị quẳng vào những thùng rác hay lề đường hoặc từ những người chuyên đi thu gom dừa bẩn từ xe đẩy bán với giá 2.000 đồng/trái. Khoảng 16g hằng ngày, bà Dung sử dụng xe máy chở những bao dừa đã uống chỉ còn vỏ và cơm về góc đường Trần Quốc Toản, Q.3. Tại đây, bà và nhân viên ngồi bóc tách cơm dừa, vừa bán mứt dừa thành phẩm.
Ngày 16/1, bà Dung cùng hai phụ nữ tập kết hàng loạt bao dừa phế thải. Nhiều trái dừa đã bốc mùi chua được bà Dung đổ thẳng từ bao thu gom xuống lề đường. Không ít trái dừa bị bể, cơm dừa dính đầy đất bụi được bà dùng giấy vệ sinh lau sơ sài. Nhiều trái dừa được bổ ra tách lấy cơm đã mốc, kiến bám đầy. Theo tìm hiểu, mỗi ngày bà Dung thu gom về “lò” được khoảng vài trăm quả dừa. Sau khi nạo dừa ở lề đường Trần Quốc Toản, bà Dung mang dừa về nhà tiếp tục chế biến.
Người ăn có thấy đâu mà sợ!
Ngày 2/1, chúng tôi tiếp cận lò sản xuất mứt tết Phước Thành (199 Xóm Đất, Q.11). Lúc này trời mưa lớn. Ngay ven đường, hàng loạt thùng phuy nhựa loại lớn ngâm đầy nguyên liệu làm mứt. Xác ruồi nhặng nổi lềnh bềnh trên mặt thùng. Cơm dừa cắt thành sợi được các công nhân ở đây ngâm vào một thùng vôi đặc quánh. Bên trong cơ sở, bốn công nhân nữ tay trần đang tráng đường cho mứt. Một công nhân tên Phương cho biết: “Phải ngâm nhiều vôi cho nó mềm”.
Trưa 16/1, chúng tôi tiếp tục tiếp cận các công đoạn chế biến của cơ sở này. Lúc này ông Phương, nhân viên cơ sở, đang hì hục vớt bí từ các thùng nhựa. Khoảng 10 phút sau, ông Phương nghiêng thùng đổ tháo nước vôi xuống miệng cống ven đường. Số nguyên liệu mứt bí còn sót lại trong thùng chảy tràn ra miệng cống. Ông Phương nhanh chóng móc từng miếng bí đang mắc kẹt ở miệng cống hôi thối thản nhiên đem bỏ lại vào thùng nguyên liệu chờ tẩm đường.
Theo tìm hiểu, lò bà Thu trên đường Bùi Minh Trực (P.2, Q.8) là nơi chuyên cung cấp cơm dừa cho cơ sở Phước Thành. Tại đây, dừa được làm khá mất vệ sinh. Hàng trăm trái dừa khô, dừa non được sáu công nhân hì hục móc cơm và quẳng xuống vỉa hè lấm lem đất cát. Cạnh đó, những thùng nước dừa bẩn để cạnh đống vỏ dừa ruồi nhặng bám đầy. Được biết, mỗi ngày lò của bà Thu bán khoảng 4-5 tạ cơm dừa cho một số cơ sở làm mứt với giá 32.000-38.000 đồng/kg. Bà Thu thường bỏ mối khoảng 160kg dừa cho cơ sở mứt Phước Thành mỗi ngày. Sau khi chế biến xong, cơ sở Phước Thành cho đóng thành gói với thương hiệu mứt dừa “Phước Thành” để bỏ mối cho nhiều đại lý, cửa hàng trên địa bàn TP. Trước đây, cơ sở này đã nhiều lần bị kiểm tra, xử phạt, thậm chí tạm đình chỉ hoạt động nhưng đến nay vẫn ngang nhiên chế biến “mứt bẩn” công khai bên lề đường.
Tại khu cư xá Đường sắt (P.1, Q.3), nơi chuyên sản xuất các loại mứt me, mứt mãng cầu, cũng có không ít cơ sở chế biến “siêu bẩn”. Khắp các con hẻm Bàn Cờ chật chội, nhiều đống me được đổ ngay cạnh miệng cống bốc mùi hôi thối. Hầu hết các con hẻm nhỏ ở đây được tận dụng tối đa làm chỗ sản xuất mứt tết. Bà Nguyệt, một người làm mứt thủ công tại cư xá, cho biết: “Do nhà chật chội nên tụi tui phải mang mứt me ra hẻm làm cho tiện. Người ăn có nhìn thấy đâu mà sợ”.
Tại căn nhà chưa đầy 15m2 của bà Thu cạnh một con hẻm của lối vào cư xá, ba thanh niên cởi trần, tay không nhào nặn từng mẻ mứt mãng cầu. Phía dưới là nền gạch bông nhớp nháp đất cát, vỏ me, các vật dụng thau chậu. Ba thùng ngâm nguyên liệu làm mứt loại lớn được bà Thu đặt ngay bên con hẻm. Loại mứt mãng cầu chế biến ở đây được đóng gói ngay bên lề đường và bán lẻ cho các điểm bán mứt tết ở những khu lân cận. Cơ sở của bà Thu đã bị đoàn kiểm tra liên ngành Q.3 xử phạt nhiều lỗi về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng sau đó lại tiếp tục sản xuất.
Theo Giadinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét