Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Cảm ơn cuộc đời vì có anh


Ba mẹ tôi qua đời trong một tai nạn giao thông lúc tôi 18 tuổi và em trai mới 10 tuổi. Tôi nghỉ học đi may gia công nuôi em. Năm 24 tuổi, tôi có người yêu, chuẩn bị tiến đến hôn nhân.


Nhưng, định mệnh lại cướp đi của tôi thêm một người thân yêu nữa. Anh qua đời do tai nạn nghề nghiệp trong một lần đi công tác. Tôi suy sụp hoàn toàn. Trong thời gian đó cơ sở may gia công bị phá sản, tôi lâm vào cảnh thất nghiệp. Cuộc sống thiếu thốn và đau buồn đã khiến tôi gục ngã.

Hai mươi chín tháng chạp năm đó, tôi phải nhập viện cấp cứu vì tình trạng sức khoẻ bị suy kiệt. Ngày cuối cùng của năm, căn phòng trong bệnh viện chỉ còn lại tôi và một bà cụ. Tôi đã gặp anh trong điều kiện như thế, anh là con trai độc nhất của bà. Bốn người chúng tôi (có cả em trai tôi) đã đón tết trong bệnh viện, một cái tết không thể nào quên và những tình cảm nồng ấm như một định mệnh gắn kết chúng tôi thành một gia đình sau này. Những ngày tết ấy, anh đã đem vào căn phòng trong bệnh viện không những bánh mứt, trái cây mà có cả hoa và tiếng cười.



Một năm sau, tôi về làm dâu nhà anh. Những năm tháng sống thiếu thốn và hai con nhỏ ra đời một lúc đã làm tôi đau ốm triền miên, chẳng thể phụ với anh việc gì. Mọi chi tiêu cho gia đình, ngay cả việc học hành của em tôi cũng chỉ trông chờ vào những đồng tiền anh kiếm được từ công việc vá vỏ xe hơi trước nhà. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi mẹ anh đổ bệnh nặng, phải nằm một chỗ. Năm đó, em trai tôi đang học lớp 12, chuẩn bị thi đại học. Biết hoàn cảnh của chị, em tôi ngỏ ý muốn nghỉ học để đi làm, nhưng anh cương quyết không cho em nghỉ học. Một mình anh xoay sở từ sáng đến tối với những công việc rất nặng nhọc quyết tâm chèo chống gia đình vượt qua khó khăn.

Ngày nghe tin em trai thi đậu đại học, tôi nhìn thấy trên nét mặt tươi cười của anh có cả sự lo lắng. Em trai tôi nhập học, dường như tôi nghe tiếng búa, tiếng đục của anh trước nhà ngày càng dồn dập hơn.

Giai đoạn đen tối nhất của gia đình là năm tôi phát hiện ra mình bị viêm gan siêu vi B phải nhập viện. Mình anh, như con thoi từ sáng đến tối, vừa lo cho mẹ già, hai con nhỏ, lại chăm tôi ở bệnh viện. Giai đoạn này, sợ em trai tôi bỏ học, anh giấu không cho em biết. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu anh làm thế nào mà lèo lái được cả gia đình vượt qua đoạn đường gian nan ấy. Bệnh tình của tôi vừa thuyên giảm thì đến lượt em trai tôi bị viêm gan siêu vi như tôi. Anh lại bỏ cả công ăn việc làm vào thành phố nuôi em. Năm đó, anh mới ba mươi tám tuổi mà tóc đã bạc trắng.

Tất cả rồi cũng qua khi tôi bắt đầu khoẻ mạnh lại. Tôi mở hàng nước trước nhà bên cạnh những đồ nghề vá vỏ xe của anh và nhận thêm hàng may gia công. Năm mẹ anh qua đời cũng là năm em trai tôi tốt nghiệp, kiếm được việc làm. Cuộc sống dễ thở dần khi chúng tôi bắt đầu có những món tiền để dành. Tuy nhiên, khó khăn lại quay lại khi hai con trai tôi lần lượt vào đại học và em trai tôi đến lúc lập gia đình. Anh luôn động viên tôi: “Rồi cũng qua hết, em đừng lo lắng nhiều sinh bệnh”. Ngày đám cưới em trai, mình anh đứng ra lo liệu, sắp đặt mọi việc. Sui gia biết hoàn cảnh của chúng tôi chẳng đòi hỏi gì, chỉ mong em trai tôi cũng là một người biết thương yêu vợ con như anh. Tôi nghe muốn rớt nước mắt.

Năm nay, anh 48 tuổi, đã đến lúc sức khoẻ không cho phép anh làm những công việc nặng nhọc nữa. Tôi muốn anh nghỉ, nhưng anh bảo: “Chờ đến khi nào các con ra trường…”. Nhìn anh hàng ngày vẫn đánh vật với những chiếc vỏ xe to đùng, tôi chỉ muốn nói lên lời cám ơn anh thật nhiều. Nếu không có những ngày tết năm đó, không biết cuộc đời của hai chị em tôi sẽ rẽ sang hướng nào.

Một mùa xuân nữa lại đến, tôi viết lên những dòng này như món quà tết tặng anh, chồng của tôi, cha của các con tôi và người anh vô cùng thương yêu của em trai tôi.

Theo Giadinh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét