Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Đám cưới 4 mâm cỗ

Trải qua bao trắc trở, cuối cùng anh Xuân và chị Thà cũng đã gặp được nhau ngoài đời thực.



Gia đình anh Xuân, chị Thà trong căn nhà tình thương.

Tuy nhiên, để có được đám cưới, anh chị đã buộc phải đem cái chết của mình ra để gây áp lực với gia đình. Tình yêu của họ cứ nhuốm trong nước mắt và nụ cười.

Tình cờ kỳ ngộ,  không nhận ra nhau

Bẵng đi một thời gian dài không liên lạc, đến năm 2002, họ lại tình cờ gặp nhau trong một trường dạy nghề dành cho những người khuyết tật ở Sơn Tây (Hà Nội). Anh Xuân cho biết, năm đó, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, anh biết ở Sơn Tây có một lớp dạy nghề nhân đạo dành cho những người khuyết tật nên định theo học nhưng không được gia đình chấp nhận. Một đêm, nằm trằn trọc suy nghĩ, không biết “trời xui, đất khiến” thế nào, anh choàng dậy thu vén quần áo rồi trốn mọi người bắt xe xuống Sơn Tây theo học lớp cắt may. Còn chị Thà thì ngay từ khi có thông tin, gia đình đã đăng kí cho chị theo học.

Định mệnh run rủi thế nào cả hai lại học cùng một trường, một khóa, một ngành may công nghiệp và cùng chung lớp May 02A. Ngay buổi đầu nhập học, anh Xuân đã nhận ra chị Thà (vì trước đây chị Thà từng gửi ảnh qua thư cho anh xem mặt) nhưng chị Thà thì không mảy may biết gì về anh. Tuy nhiên, vì còn nhiều mặc cảm lại biết chị Thà đang giận mình nên anh Xuân không dám cho cố nhân biết về mình.

Vào học được nửa tháng chị Thà bị ốm khá nặng. Lúc nghe tin, dù còn nhiều ngại ngần, anh Xuân vẫn nhiệt tình đến phòng chị thăm hỏi và chăm sóc. Bạn bè trong phòng chị Thà đã phải mắt chữ “O” mồm chữ “A” trước sự nhiệt tình, chu đáo của anh Xuân đối với cô bạn cùng lớp mới quen. 10 ngày chị Thà ốm là 10 ngày anh Xuân bên cạnh chăm sóc. Thậm chí, nửa đêm anh còn lọ mọ nấu cháo, đi mua thuốc và pha sữa cho chị uống. Cứ ngỡ, sự chăm sóc tận tình đó sẽ hóa giải được những giận hờn và anh Xuân sẽ có cơ hội để trút cạn mọi nỗi niềm với người mà anh thầm yêu bao năm qua. Tuy nhiên, đối với chị Thà, anh Xuân vẫn là một người bạn tốt.

Mãi sau này, khi không thể giấu lòng thêm được nữa, anh Xuân đã mạnh dạn nói thật về mình cho chị Thà nghe. Khi biết anh Xuân chính là người đã viết cho mình hàng nghìn lá thư trong 6 năm quen biết, chị Thà không thể tin nổi vào tai mình. Nhưng rồi hờn giận cũng qua nhanh và tình yêu bắt đầu nhen nhóm một cách kín đáo.

Dọa chết, gia đình mới cho cưới

Ngày Noel năm 2002, trong lúc chị Thà đang lúi húi dọn phòng thì anh Xuân bất ngờ mang một bó hoa hồng rất to đến tặng. Ngỡ ngàng trước hành động đầy lãng mạn của anh Xuân nhưng chị Thà vẫn ra một điều kiện: “Nếu hoa này tặng vì tình bạn thì em sẽ nhận, tình yêu thì không nhận”. Anh Xuân đành phải tặc lưỡi: “Thôi thì vì cái gì cũng được, miễn là em nhận hoa”. Tối hôm đó, anh còn tổ chức một tiệc ngọt nho nhỏ trong phòng để cả phòng cùng liên hoan. Đó cũng là lúc anh Xuân ngỏ lời tình yêu với chị Thà. “Hôm đó, khi anh ấy tỏ tình, tôi bối rối lắm. Tôi hẹn 10 ngày sau tôi mới trả lời”, chị Thà nói.

Đến ngày 2/1/2003 - ngày chị Thà tròn 25 tuổi, anh Xuân lại một lần nữa thể hiện tình yêu của mình bằng cách tổ chức một buổi sinh nhật rất ấm cúng cho người yêu. Sau hôm ấy, bạn trong phòng hiểu hết tình cảm của anh Xuân nên đã ra sức tác động đến chị Thà. Sau đêm sinh nhật ấy, chị Thà đã nhận lời yêu anh Xuân. Sau khi nhận lời yêu được mấy hôm, anh Xuân ngỏ lời xin cưới luôn.

“Đám cưới của chúng tôi diễn ra gấp gáp lắm vì thời điểm đó đã là tháng 12 Âm lịch, chỉ còn mấy ngày nữa là đến Tết Nguyên đán. Từ lúc về thông báo cho gia đình đến ngày cưới chỉ có hơn 10 ngày để chuẩn bị. Ấy thế nhưng khi về thông báo cho gia đình thì cả hai bên đều phản đối quyết liệt. Phải thuyết phục mãi gia đình anh Xuân mới chịu đồng ý còn gia đình tôi thì vẫn nhất quyết không. Ngày gia đình anh Xuân lặn lội từ Phú Thọ mang lễ vật đến ăn hỏi, gia đình tôi không thèm nhận. Chỉ khi tôi nói sẽ tự tử nếu không cho chúng tôi đến với nhau thì gia đình tôi mới miễn cưỡng đồng ý. Cũng chính vì thế mà tiệc cưới họ nhà gái chỉ có đúng 4 mâm cỗ còn nhà trai thì được hơn chục mâm”, chị Thà ngẹn ngào nhớ lại.

Sau đám cưới, chị Thà và anh Xuân vẫn tiếp tục theo học ở trường dạy nghề. Ngày ra trường, cả hai đưa nhau về Phú Thọ với ý định sẽ mở một xưởng may nho nhỏ để mưu sinh. Nhưng thật trở trêu, khi về Phú Thọ do không quen khí hậu nên chị Thà liên tục bị ốm. Bên cạnh đó, việc mở xưởng may ở vùng quê nghèo cũng không khả thi nên anh chị lại dắt díu nhau về Thường Tín. Lúc trở về quê, do không có chỗ ở nên cả hai được một gia đình nghèo đồng hương cho ở nhờ trong một chiếc chòi canh vịt. Cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ khuyết tật như chìm trong muôn vàn khó khăn. Hai cô con gái cũng lần lượt ra đời trong chiếc chòi canh vịt này.

Hai năm trở lại đây, ái ngại trước hoàn cảnh của cô cháu gái, bà ngoại của chị Thà đã cho hai vợ chồng 30m2 đất. Hội Phụ nữ xã cùng các ban, ngành đã chung tay xây cho vợ chồng họ căn nhà “tình thương” nho nhỏ. Từ ngày chuyển về đây, hai vợ chồng anh chị vẫn tiếp tục mưu sinh với gian hàng bán quần áo đổ đống ở chợ Vồi.

Theo Giadinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét