ợ tôi thường xuyên dùng roi dạy con (Ảnh minh họa). |
Thằng Tí mới một tuổi, thường bị mẹ vả vào miệng vì tội khóc nhè, lười ăn.
Gần bốn mươi rồi mà tôi vẫn chưa cưới vợ, mặc dù có rất nhiều bạn gái đẹp, bà con nội ngoại mai mối. Vậy mà không hiểu vì sao tôi lại “bất ngờ” tự trói buộc mình với Loan, một người rất “so le” với tôi. Bốn mươi tuổi, có được đứa con trai bụ bẫm, khỏe mạnh tôi mừng lắm. Những tưởng mọi “so le” sẽ được san bằng, nhưng không ngờ vợ chồng tôi lại càng xa cách vì lối dạy con của Loan.
Thằng Tí mới một tuổi, thường bị mẹ vả vào miệng vì tội khóc nhè, lười ăn. Hai tuổi bị quất roi vào tay vì tội vứt đồ chơi bừa bãi. Khi tôi góp ý thì bị vợ “lên lớp”:
- Con tôi đẻ ra, đánh nó tôi cũng đau vậy. Nhưng ông bà mình dạy “thương cho roi cho vọt”. Anh là thầy giáo mà không biết à?
Tôi cay đắng nói:
- Con còn nhỏ quá, biết gì mà em đánh. Phải dỗ dành và giải thích từ từ cho con nó hiểu em ạ!
Vợ tôi phản ứng ngay:
- “Dạy con từ thuở còn thơ”, nó sai thì đánh, đánh nó mới nhớ dai, hơn nữa tôi còn phải buôn bán tối mũi tối mặt, đâu có thời gian ngồi tỉ tê dạy nó. Anh có giỏi thì ở nhà dạy nó, lương thầy giáo không đủ mua sữa cho con thì đi dạy làm gì!
Vợ nói đúng, từ khi có con, kinh tế gia đình khó khăn hơn, cô ấy phải bán thêm cà phê bên lề đường để có thêm thu nhập. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi quyết định đi làm ăn xa, kinh tế sẽ ổn định hơn, nhưng chuyện dạy con thì không ổn, vì có những lần tôi về mang nhiều quà bánh và đồ chơi nhưng Tí không thèm, nó rúc đầu vào ngực tôi khóc tức tưởi. Tôi hỏi:
- Có chuyện gì vậy con?
Tí không trả lời mà càng khóc lớn hơn. Vậy là tôi hiểu.
Thấm thoát con tôi đã vào lớp 3, được cô giáo khen học giỏi, tôi mừng và cũng rất vui vì lâu lắm rồi không còn nhìn thấy những lằn roi ngang dọc trên người con nữa. Nhưng một hôm tôi về nhà đột xuất, thì thấy Tí bị mẹ trói chân vào cột nhà, cạnh bên là tập, sách và viết. Thấy tôi, con chạy đến mừng nhưng bị té vì vướng sợi dây ở chân. Vợ tôi đang ngủ trưa chợt thức giấc, thấy tôi mở trói cho con, vội ngăn lại:
- Nó tập viết đủ hai trang chưa? Đủ mới được mở trói.
Tôi trừng mắt hét lớn:
- Cô học thói dạy con này ở đâu vậy?
Ánh mắt và gương mặt của tôi lúc ấy có lẽ dữ dằn và hung tợn chưa từng thấy nên cô ấy vừa nói vừa khóc:
- Con không nghe lời, tôi đánh nó anh không cho, tôi trói nó anh cũng không cho. Vậy tôi phải dạy nó như thế nào đây?
Tôi không thể nói được thêm lời nào, quăng ba lô, ngồi vào bàn viết ngay một tờ đơn ly hôn rồi lên giường nằm. Thằng Tí ngơ ngác đi theo nằm cạnh tôi ê a đọc sách, rồi nó ngủ thiếp đi.
Buổi trưa ở quê thanh vắng, tiếng võng kẽo kẹt càng làm không khí trong nhà buồn bã hơn. Chợt chuông điện thoại reo vang, chị Ba của tôi gọi. Tôi như có chỗ để trút cơn bực tức bèn kể cho chị nghe về quyết định ly hôn của tôi, những tưởng chị sẽ ủng hộ, vì chị là người phản đối tôi cưới Loan gay gắt nhất và chị cũng không thích cô em chồng, nhưng không ngờ chị lại nói:
- Em nên suy nghĩ kỹ, đừng để thằng Tí sống trong cảnh xa mẹ lìa cha. Vợ em có nhiều khiếm khuyết, nhưng chị tin Loan sẽ sửa đổi, em nên mua sách báo về dạy con cho vợ em đọc. Chị mong hai đứa hãy sống tốt vì thằng Tí. Nhất là em, em phải kiên nhẫn “dạy vợ từ thuở ban sơ mới về” và phải biết tha thứ, em phải hết sức bình tĩnh.
Đêm đó tôi cứ trăn trở vì những lời khuyên của chị, cho đến khi gà gáy sáng mới ngủ được. Giật mình thức dậy, mặt trời đã lên cao, nhà vắng lặng, chắc vợ tôi đã đưa con đi học. Định bước xuống giường, nhưng lạ quá! Chân tôi bị vướng cái gì đây? Vội ngồi bật dậy, thấy hai bàn chân mình bị cột vào thành giường. Trời ơi! Không lẽ vợ tôi cũng buộc chân tôi? Nhưng kìa, có tờ giấy nhỏ với mấy chữ của Tí: “Ba ơi! Đừng đi”. Cầm tờ giấy của con trong tay, lòng tôi chùng lại, vừa lúc vợ tôi về đến, nhìn thấy cảnh tượng ấy cũng bàng hoàng đứng lặng.
Theo Eva
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét