Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Cô giáo đi bán bánh rán, làm ô sin

 Không chọn con đường ra chợ kiếm sống, nhiều giáo viên mầm non đã chấp nhận làm công nhân vệ sinh, làm ô sin...



       Cả đời gắn bó với ngành giáo dục, giờ cô giáo Viền (trái)đành phải ra chợ bán bánh rán kiếm sống.
 

Việc nhiều giáo viên mầm non huyện Mê Linh dành trọn cả đời cho ngành giáo dục địa phương nhưng khi về hưu lại không được hưởng lương hưu là một nghịch lý đang gây bức xúc trong dư luận. Để tìm lời giải cho “bài toán” này, PV GĐ&XH đã tìm gặp những cán bộ có trách nhiệm nhưng đều nhận được cái lắc đầu…

Về hưu phải ra chợ,  bế con thuê

Trong số báo 154 (ngày 24/12), GĐ&XH phản ánh, trong đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, 34 giáo viên mầm non huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, sau gần 40 năm công tác trong ngành giáo dục, khi làm các thủ tục về hưu thì họ phát hiện mình không được hưởng chế độ hưu trí. Lý do được nêu ra là các giáo viên này không đủ thời gian tham gia đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH). 

Điều đáng nói, những giáo viên này đều có thâm niên công tác liên tục từ 28-40 năm nhưng họ lại mới chỉ được đóng bảo hiểm từ năm 2002. Do chỉ tham gia đóng bảo hiểm được trên dưới 10 năm nên họ đều không được hưởng lương hưu theo quy định (theo quy định phải tham gia đóng bảo hiểm liên tục từ 20 năm trở lên).

Cô giáo Tạ Thị Viền nghẹn ngào cho biết, sau khi về, không có thêm thu nhập ngoài mấy sào ruộng, cô đành phải ra chợ bán bánh rán để tăng thêm thu nhập giúp gia đình. Theo cô Viền, trước năm 1972, cô công tác trong ngành giáo dục của tỉnh Yên Bái nhưng đến năm 1977 thì cô theo chồng về huyện Mê Linh và gắn với nghề dạy học mầm non từ đó đến nay. 

Cũng như nhiều giáo viên khác, sau gần hơn 35 năm công tác trong ngành giáo dục mầm non của địa phương, khi về hưu cô Viền cũng chỉ được hỗ trợ một lần khoảng 10 triệu đồng, chứ không được hưởng lương hưu. “Dạy học từng ấy năm nhưng khi về hưu lại không được hưởng lương hưu, đúng là một nghịch lý các anh ạ. Muốn tìm một việc nào đấy phù hợp hơn để kiếm thêm thu nhập nhưng không thể nên tôi đành phải làm bánh rán mang ra chợ Vạn Yên bán. Thu nhập chẳng đáng là bao, nhưng cũng thêm được mớ rau, con cá”- cô Viền nghẹn ngào.

Không chọn con đường ra chợ kiếm sống, nhiều giáo viên mầm non khác như cô Nguyễn Thị Thêu, Lê Thị Nguyên, Nguyễn Thị Bông… đã làm đơn xin làm công nhân vệ sinh tại khu công nghiệp Quang Minh, thậm chí là nấu cơm cho công nhân của khu công nghiệp nhưng không được tiếp nhận vì… quá già. 

Không xin được những công việc trên, các giáo viên này đành tìm kế sinh nhai bằng việc bế con thuê cho công nhân đang làm việc tại KCN Quang Minh. Chua xót hơn đó là trường hợp của cô Lê Thị Nguyên, gần 40 năm công tác, khi về hưu loay hoay hết trông trẻ thuê rồi lại đi làm ô sin để kiếm sống nhưng cũng chẳng đủ sống.

Khi “quan huyện” bó tay

Được biết, tại Thông tư liên tịch số 2150/GDĐT-BHXH do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ký tháng 3/2004 gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đề nghị các địa phương thực hiện chính sách BHXH và Bảo hiểm Y tế theo những nội dung cụ thể đã được Chính phủ quy định và các Bộ chức năng hướng dẫn, có nêu: 

“Những người lao động có thời gian làm việc liên tục tại các cơ sở mầm non từ trước hoặc sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 mà chưa tham gia đóng BHXH thì có thể đóng BHXH cho thời gian từ tháng 1/1995 đến khi đã tham gia đóng BHXH. Mức đóng bằng 15% mức tiền lương tính trên mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm thu, nộp”.

Theo các giáo viên trên, nếu thực hiện theo đúng hướng dẫn này thì những người có thâm niên và tham gia đóng BHXH từ năm 2002 sẽ được đóng lùi lại cho thời gian từ tháng 1/1995.

Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Kiều Quang Dũng - Giám đốc BHXH huyện Mê Linh cho biết đã nhiều lần tiếp đón, thậm chí khóc khi gặp các giáo viên mầm non trên. Tuy nhiên, phía BHXH không thể giải quyết khi “trên” chưa có quyết định gửi xuống. Ông Dũng cho biết: 

“Một số giáo viên nếu được giải quyết cho truy đóng BHXH từ tháng 1/1995 thì vẫn có thể không đủ thời gian để đóng thêm 5 năm BHXH tự nguyện nữa cho đủ 20 năm để làm lương, do đến giờ tuổi đời đã khá cao, có người đã gần 60. Theo quy định thì nam giới chỉ được đóng đến tối đa là 65 tuổi và nữ là 60 tuổi. Việc sớm giải quyết cho các giáo viên là cần thiết. Có thể đồng lương của họ không nhiều nhưng ý nghĩa về mặt tinh thần, động viên các giáo viên rất quan trọng bởi hầu hết các cô đã cả đời cống hiến cho ngành giáo dục”. 

Trong khi đó, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện - cho biết, để đưa ra phương án giải quyết quyền lợi cho các giáo viên đã nằm ngoài tầm quyết định của UBND huyện. Theo đó, trong thời gian tới, UBND huyện Mê Linh sẽ tiếp tục làm việc với đại diện Bộ LĐ,TB&XH để tìm được phương án giải quyết tốt nhất.

Theo Giadinh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét