Thấy con càng nói thì chị và mọi người càng được thể phá lên cười: “Zai đi tán gái là chuẩn rồi, ngượng gì? Mầm như con gái ấy”.
Trêu con quá đà
Chị Minh Tú (Quận Tân Bình,TP HCM) có một cậu con trai tên Mầm rất xinh xắn, trắng trẻo, bé đang học lớp 1. Đi học đã được nửa năm nhưng chị vẫn thấy con hay ngại ngùng, nhút nhát, chị hay trêu bé: “Con mẹ từ khi đi học thấy đỏm dáng hơn bao nhiêu. Mẹ biết rồi nhé, con có ‘bồ’ rồi đúng không? Bạn ấy được đấy! Tấn công đi con”.
Rồi chưa hết, đi đến nhà ông bà hay bạn bè chị tới chơi nhà, chị lại đem chuyện “công tử 6 tuổi đi tán gái” ra khoe.
Mầm chẳng thích thế chút nào, sau vài lần lí nhí bảo mẹ: “Mẹ đừng trêu con, con không thích” chẳng ăn thua, bé chán chẳng buồn nói nữa. Thấy con càng nói thì chị và mọi người càng được thể phá lên cười: “Zai đi tán gái là chuẩn rồi, ngượng gì? Mầm như con gái ấy”.
Cũng vì bị trêu ghẹo nhiều, mà giờ bé không còn muốn gần gũi, thủ thỉ với mẹ nữa.
Hay trường hợp của bé Xù (6 tuổi) là một ví dụ, bé rất thích hát hò véo von những bài trẻ con đặc biệt là bài “Inh Lả ơi”, thế nhưng mỗi lần bé cất tiếng hát thì anh Ngũ – bố bé lại phá lên cười “Lại inh ỏi ơi hả con? Inh ỏi quá, inh ỏi quá, há há há…” khiến bé Xù buồn lắm.
Rồi một lần cô giáo giao bài tập về nhà là vẽ mèo con. Thấy con cả tối không tíu tít, lăng xăng quanh bố mẹ như mọi ngày, mẹ của Xù là chị Phúc lại lân la ra xem con làm gì? Khi biết thấy mẹ, bé hân hoan khoe: "Mẹ xem con vẽ con mèo con có đẹp không ạ?", thì chị cười lăn cười bò: “Mèo đâu, nhìn như con lợn ý, mèo nỗi gì? Mai con phải dặn cô giáo và mọi người rằng đây là mèo ‘quý hiếm’ không họ tưởng lợn như mẹ í”.
Rồi chị hồn nhiên ra khoe với chồng về “chuyện con lợn” của con. Cả nhà cười phá lên hàng tràng khiến Xù cụt hứng, chạy lên phòng đi ngủ luôn.
Hôm sau, đang họp dở thì cô giáo của Xù gọi điện đến “mách” chị vì: “Giao bài về nhà bé không làm, cô giáo hỏi đến thì Xù khóc nức nở bảo ‘con xé bài tập rồi’…”. Vài giây chị hiểu ngay ra vấn đề là do mình nên con mới có phản ứng thế này.
Nhiều bé khác cũng là nạn nhân của kiểu đùa "quá trớn" của người lớn. Điển hình như bé Mai, 7 tuổi. Chỉ với mục đích muốn con học đàn chăm chỉ, chị Thanh – mẹ bé (Quận 1, TP HCM) suốt ngày trêu: “Hôm nay Mai đánh đàn chán quá thể. Con sang mà xem, bạn Nhím hàng xóm đánh hay ghê, nghe mát cả lòng”.
Mai buồn lắm, lọ mọ lên tập đàn, một lát sau mẹ vẫn trêu tiếp: “Vẫn chẳng hay hơn tí nào, thua xa bạn Nhím rồi, con mẹ xinh đấy nhưng không giỏi tí nào”.
Bé phân bua: “Bạn Nhím tập trước con 2 năm cơ mà”.
Mẹ lại bảo: “Nhưng bạn ý chăm hơn con hẳn, cứ có khánh đến nhà, Nhím lại ra biểu diễn, còn con thấy khách là chạy tuột lên phòng”.
Mắt Mai rơm rớm như sắp khóc, bé quát lên: "Ai khiến mẹ nghe chứ, mẹ thích thì sang nhà bạn Nhím mà nghe đi”.
Người lớn hài hước nhưng nên biết điểm dừng
Nhiều khi người lớn chỉ nghĩ, đùa với trẻ một chút cho vui, cùng lắm con trẻ khóc òa một lúc là... cười. Thực tế, người lớn không hay rằng trẻ con ở độ tuổi này rất dễ bị tổn thương. Những lời nói trêu thái quá đôi khi sẽ khiến con trẻ mất niềm tin ở bố mẹ.
Không nói đến 6, 7 tuổi mà ngay cả độ tuổi lên 3, 4 trẻ đã hiểu dần về thế giới xung quanh, những thông tin đầu tiên mà bé tiếp nhận được là rất quan trọng. Nếu người lớn đùa cợt, chế giễu sai chỗ sẽ khiến trẻ “mông lung”, chẳng biết thật giả thế nào, mất niềm tin vào người lớn, tự ti với bản thân.
Các bé sẽ có xu hướng thu hẹp bản thân, không tự tin bộc lộ năng khiếu, sở thích của mình.
Chị Linh Linh (Hòe Nhai, Hà Nội) chia sẻ: “Hài hước cũng hay nhưng đôi khi chuyện vui đó khiến bé thấy buồn. Người lớn cần biết điểm dừng trước khi làm cho bé cáu gắt và khó chịu”.
Theo Giadinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét