Đến Tân Sơn, Phú Thọ, nhiều người nhắc đến bài thuốc gia truyền chữa bệnh hiếm muộn, vô sinh của “bà lang Mường”- Hoàng Thị Lan.
Thôn Mịn 1 nằm bên quốc lộ 32 đoạn đi qua xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn được rất nhiều người từ khắp nơi trên cả nước biết đến bởi ở đây có một bà lang nổi tiếng với phương thuốc gia truyền chuyên chữa bệnh vô sinh, hiếm muộn. Tên bà là Hoàng Thị Lan (SN 1934) trong một gia đình người Mường có truyền thống bốc thuốc chữa bệnh cứu người.
Bà Hoàng Thị Lan nổi danh chữa vô sinh, hiếm muộn |
Chữa được 80% các ca hiếm muộn?
Từ xa xưa, người Mường vốn được lưu truyền có rất nhiều bài thuốc nam độc đáo. Ngay khi còn nhỏ, bà Hoàng Thị Lan đã được mẹ truyền dạy cho nhiều bài thuốc bí truyền của gia đình. Từ các bài thuốc chữa những căn bệnh thông thường như cảm cúm, viêm khớp, thoái hóa cột sống, đau gan, cho đến các bệnh phức tạp hơn như thai sản, thai lưu, băng huyết. Tuy vậy, để học được cách chữa trị bệnh vô sinh, bà Lan phải trải qua rất nhiều thời gian học tập, nghiên cứu mới tiếp thu được đầy đủ, trọn vẹn những gì mẹ bà truyền dạy.
Theo bà Lan, vô sinh do nhiều nguyên nhân, có thể từ vợ hoặc chồng, mỗi người lại có một căn nguyên khác nhau, phải căn cứ vào đó mới cắt thuốc cho người bệnh được. Bà nói: “Mỗi con người khi sinh ra đều mang thể trạng và tính chất của vùng đất nơi mình sống. Người phương Nam khác với người phương Bắc. Vì thế, các nguyên tắc chữa trị bệnh và các vị thuốc cũng khác nhau. Tất cả các vị trong bài thuốc gia truyền chữa vô sinh của gia đình tôi đều từ cỏ cây trên núi”.
Bà lang Pa Cô chưa vô sinh bằng củ cây rừng
Bà lang Hồ Thị Tèn (tên gọi khác là Pỉ Dung), 60 tuổi, người dân tộc Pa Cô, ở thôn Xi La, xã Xi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cũng được lưu truyền là có bài thuốc nam chữa được bệnh vô sinh bằng lá cây rừng. Theo lời bà Tèn thì 20 năm về trước, bà cư trú ở Lào và được một cụ ông người Pa Cô truyền cho bài thuốc được bào chế bằng một loại lá và củ cây rừng. Phụ nữ bị đau quặn ở vùng bụng, ra khí hư ở vùng kín, kinh nguyệt khô và không đều… cho uống thuốc trên đều lành bệnh. Bà Tèn nhận định nguyên nhân của các triệu chứng này là do bị “sâu” buồng trứng. Phụ nữ mắc bệnh thường ốm yếu, da dẻ xanh vàng và khó có con.
Bà Lan cho biết, các trường hợp muộn con, khi uống thuốc của bà đều có thể khỏi bệnh và sau đó sinh nở bình thường. Nhiều trường hợp, vợ chồng cưới nhau hơn chục năm trời nhưng vẫn không thể có con. Khi đến với bà, chỉ sau 2 thang thuốc đã có thai và sau đó sinh được quý tử. Nhiều người dân ở khu vực xóm Mịn cho biết, những cặp vợ chồng hiếm muộn ở Tân Sơn sinh được con nhờ uống thuốc của bà Lan khá nhiều, tỷ lệ hiệu quả ước chừng trên 80%.
Gia đình anh Trần Văn Lộc và chị Lương Thị Đoàn ở xóm Hồng Phong, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, cho biết: “Vợ chồng tôi lấy nhau từ năm 2005, mãi 3 năm sau vẫn không có con, đi khám nhiều nơi nhưng nguyên nhân các bác sĩ đưa ra không thống nhất và cũng chẳng có phương thuốc nào hiệu quả. Cuối cùng, vợ chồng tôi đến nhà mế Lan cắt thuốc. Chỉ sau 1 tháng, vợ tôi đã thụ thai và năm 2009 thì sinh hạ bé gái Trần Ngọc Ánh”.
Cũng như vợ chồng anh Lộc, vợ chồng anh Hà Đức Hạnh và chị Phạm Thị Tình ở xóm Cá, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn cũng gặp tình trạng hiếm muộn tương tự. Lấy nhau đã 7 năm nhưng cả hai vẫn chưa có con. Anh chị đi khám ở Bệnh viện Đa khoa Thanh Sơn thì được các bác sĩ chẩn đoán là do thận yếu, tinh trùng loãng… Được nhiều người mách bảo, họ tìm đến cắt thuốc ở bà Lan. Chỉ sau mấy thang thuốc, chị Tình đã mang thai và sau đó sinh hạ cháu Hà Đức Hoàng. Hiện nay cháu Hoàng đã được 3 tuổi.
Nỗi lo thất truyền kho thuốc quý
Trong suốt cuộc đời làm thuốc của mình, niềm vui lớn nhất của bà Lan là khi nhận được điện thoại thông báo tin vui từ những người đến cắt thuốc. Bà tâm sự: “Người ta gọi điện đến rồi xưng tên tuổi, địa chỉ và báo lại là đã mang thai sau khi uống thuốc. Tôi già rồi, chả nhớ hết tên bệnh nhân nhưng thấy họ được thỏa tâm nguyện là vui lắm. Làm thầy thuốc mà giúp được người là niềm vui lớn nhất của cuộc đời tôi”.
Hằng ngày, có rất đông những người bị chứng vô sinh, hiếm muộn khắp nơi trên cả nước không quản đường xá xa xôi, lặn lội đến nhà mế Lan để cắt thuốc. Gần thì Hòa Bình, Tuyên Quang, xa thì Quảng Ngãi, Đồng Nai, Vũng Tàu… Con số những cặp vợ chồng bị hiếm muộn đến cắt thuốc và đã sinh được con đến giờ, theo trí nhớ của bà lang Mường, thì cũng khoảng… vài ngàn người. Tuy đem lại nhiều niềm vui cho những gia đình hiếm muộn, nhưng hiện tại trong lòng bà vẫn canh cánh một nỗi lo. Bà tâm sự: “Hiện nay do tâm lý truyền nghề theo gia đình, cùng với nhiều quy định nghiêm ngặt của Nhà nước trong việc bốc thuốc hành nghề nên việc phát huy, nhân rộng các bài thuốc quý, các dược liệu quý là rất khó khăn. Đã có rất nhiều bài thuốc độc đáo dần mất đi theo thời gian vì những nguyên nhân ấy. Tôi mong sắp tới, Nhà nước sẽ có chính sách thông thoáng cho việc thẩm định các bài thuốc gia truyền để các lang y như tôi có thể đóng góp thêm nhiều bài thuốc quý cho kho tàng thuốc Nam dược Việt Nam”.
Đề nghị các cơ quan y tế huyện Tân Sơn và tỉnh Phú Thọ sớm tiếp cận, nghiên cứu bài thuốc gia truyền của bà lang Hoàng Thị Lan. Nếu đây thực sự là bài thuốc quý chữa được hiếm muộn, vô sinh thì cần nhân rộng để đem cơ hội tốt đến cho những người mắc bệnh.
Nguyên nhân chính gây vô sinh ở nữ giới:
- Hiện nay khoảng 70 - 80% trường hợp vô sinh nữ vì không rụng trứng. Hiện tượng này do mắc hội chứng buồng trứng đa nang với những biểu hiện: kinh thưa, mất kinh hoặc mọc nhiều trứng cá, lông rậm, béo bệu.
- 40% trường hợp vô sinh nữ do tắc vòi trứng. Đây là nguyên nhân có liên quan đến tiền sử hút thuốc và nạo phá thai.
- Ngoài ra, phụ nữ vô sinh có thể do tổn thương dính ở cổ tử cung hoặc buồng tử cung.
(Theo BS Thu Phương - Sức khỏe và Đời sống)
Nguyên nhân chính gây vô sinh ở nam giới:
- Rối loạn về nội tiết sinh sản ảnh hưởng đến việc sinh sản tinh trùng.
- Những yếu tố gây rối loạn quá trình biệt hóa sinh sản tinh trùng.
- Những bệnh viêm nhiễm đường sinh dục ảnh hưởng đến quá trình sinh sản tinh trùng.
- Rối loạn cương dương.
- Rối loạn xuất tinh.
Theo Giadinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét