Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Nữ thẩm phán 7 năm sau đại họa axít

Những đau đớn về thể xác khi bị axít hủy hoại không đau bằng khi nghe tiếng khóc và ánh mắt thảng thốt của các con.



Chị Kim Loan và cuộc sống hiện tại.

Cậu con trai như chết lặng khi nhìn gương mặt mẹ, còn cô con gái hai tuổi thì òa khóc rồi hét lên: “Không phải mẹ Loan”. Những đau đớn về thể xác khi bị axít hủy hoại đã không đau bằng khi nghe tiếng khóc và ánh mắt thảng thốt của các con. Đó là tâm sự của nữ thẩm phán thuộc tòa Đống Đa…
Không nói đến thù hận

Bảy năm - kể từ ngày thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan bị trả thù bằng axít- cũng là chừng ấy năm chị ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Chị Loan nhẩm tính, cộng thêm cả những lần điều trị lazer cắt xẹo bỏng, dễ có đến gần 100 cuộc phẫu thuật. Từ Bắc vào Nam, rồi từ Nam đi Thái Lan, Singapore, cứ thấy chỗ nào có thông tin điều trị được các vết sẹo trên mặt, trên cơ thể của di chứng axit là chị Loan đi ngay.

Ngồi nhắc lại chuyện cũ, chị Loan chỉ kể về các ca phẫu thuật và những câu chuyện của các bệnh nhân đồng cảnh ngộ mà chị gặp, tuyệt nhiên không thấy chị nhắc đến việc thù hận những kẻ đã gây cho chị một cuộc sống đớn đau. Chị bảo, họ cũng vào tù chịu đủ cảnh khổ cực rồi…

Câu chuyện bắt đầu từ buổi sáng kinh hoàng tháng 7/2005. Khi ấy, Chị Loan vừa dắt xe ra khỏi cổng nhà thì một thanh niên mặc áo mưa đã đứng chờ sẵn và hắt thẳng axit vào mặt chị Loan. Trước đó chỉ ít giây, lúc nhìn thấy người thanh niên này, dù thời gian rất ngắn nhưng chị Loan đã kịp nhận ra mình từng gặp anh ta trong một lần đi đến khu vực tranh chấp nhà của đương sự mà chị đang thụ ly hồ sơ. Sau này khi điều tra, công an đã nhanh chóng xác minh chính xác đối tượng hắt axit. Nguyên nhân là do thua kiện trong một vụ án mà chị Loan xét xử, nên người này ra tay trả thù.

Cuộc phẫu thuật cấp cứu đầu tiên ngay sau khi bỏng axit của chị Loan tại Bệnh viện Xanhpôn. Khi đó, các bác sĩ phải nhanh chóng cắt hết phần da thịt đã bị cháy của chị để tránh hoại tử. Tuy hoảng loạn và đau đớn, nhưng chị Loan vẫn nghĩ: “Không thể chịu thua bọn người xấu này được. Phải sống, phải sống – phải nghị lực!”. Chồng chị- anh Nguyễn Văn Điệp - vẫn nhớ khi ra khỏi phòng phẫu thuật, dù thuốc mê chưa hết tác dụng, chị Loan vẫn vùng dậy hô to: “Kiên cường đấu tranh chống tội phạm”.

Tại Bệnh viện Xanhpôn, PGS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa phẫu thuật tạo hình đã tiến hành phẫu thuật tạo viền môi, cánh mũi cho chị Loan. Sau đó ông còn áp dụng cách phẫu thuật mới để giúp chị giảm bớt các vết sẹo trên thân thể. Rất nhiều lần chị phải lên bàn phẫu thuật để chỉnh lại các chi tiết trên khuôn mặt. Mỗi lần lên bàn phẫu thuật là một lần chị hy vọng khuôn mặt sẽ có được những đường nét của ngày xưa.

Nuôi dưỡng ý chí từ giờ phút sinh tử đầu tiên ấy, cho đến giờ - sau bảy năm vật vã với những vết thương trên cơ thể, chị Loan vẫn bền bỉ để “có thể tự tin trong cuộc sống” – như chị tâm sự.

Giấu mặt sau tấm khăn

Sau khi điều trị ổn định bước một tại BV Xanhpôn với tỉ lệ thương tật 64% cơ thể, chị Loan quyết định sangb Singapore để điều trị tiếp. Sang đến Singapore, chị Loan đều đặn tập luyện phục hồi chức năng và mặc quần áo cao su để bảo vệ phần tổn thương bỏng không bị co kéo. Bộ quần áo cao su này chị Loan mặc liền trong năm năm trời.

Lúc này, gương mặt- nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của axít- có hiện tượng co kéo mạnh nhất. Anh Điệp, chồng chị bảo, lúc này hai mắt, một ngưỡng thiên - một ngưỡng địa, trông đến hãi. Các bác sĩ tư vấn cần phải phẫu thuật tạo hình lại mắt ngay để tránh mù sau này.

Chuyện “động dao kéo” lúc này không còn khiến chị Loan sợ hãi nữa. Chị biết, để sống và hòa nhập với cộng đồng thì thể xác phải chịu nhiều đau đớn nữa. Chịu đến khi nào y học vẫn còn giải pháp với chị.

Khổ tâm nhất là mỗi khi chị đi lại nơi đông người. Không ai thể hiện thái độ kinh sợ đối với chị, nhưng chị vẫn có cảm giác bị xa lánh và cô độc. Lần sang Singapore lần thứ hai, người bạn gợi ý- mà chị cho là ý tưởng thông minh đối với hình hài chị lúc bấy giờ- đó là trang phục của người đạo Hồi. Toàn bộ gương mặt của chị sẽ được giấu sau tấm khăn. Sau ca phẫu thuật trước đó, mắt chị Loan được tạo hình to đẹp như mắt con gái đạo Hồi. Khi “diện” trang phục này, trông chị rất giống phụ nữ Ả Rập. Từ ngày đó, đi bất cứ nơi nào chị Loan cũng diện bộ cánh này và rất tự tin.

Nhưng anh Điệp thì khác, anh không thích đi ra ngoài cùng vợ khi chị bận bộ trang phục này. Anh Điệp bảo, cứ sống thật như con người mình, chồng con hiểu và vẫn yêu thương thì không có gì phải che đậy cả. Nói vậy nhưng anh Điệp vẫn chiều chị, để chị mặc tiếp bộ trang phục này ba năm sau đó. Chính tay anh còn cắt thêm vài bộ nữa (anh Điệp làm may, có xưởng may), theo mẫu mà chị Loan mua được ở nước ngoài để chị thay đổi.

Chị Loan nhớ, có những lần mặc bộ quần áo đạo Hồi đi chợ, người ở chợ tưởng là khách tây nên nói giá gấp đôi. Một lần khác, khi chị ra nước ngoài trị bệnh, với trang phục này chị được mời riêng vào phòng kín tại sân bay để kiểm tra an ninh.

Các cuộc phẫu thuật đau đớn diễn ra liên miên vậy mà chị Loan vẫn tham gia lớp học Thạc sĩ suốt ba năm liền (2006-2009). Ba năm ấy, bạn cùng lớp chẳng ai biết gương mặt thật của chị...

Chị Nguyễn Thị Kim Loan trước khi xảy ra tai nạn. Ảnh nhân vật cung cấp.




Bác sĩ khuyên bỏ hết gương

Năm 2006, chị Loan quyết định đến Viện Bỏng Quốc gia để thực hiện ca phẫu thuật vá phần cổ đã bị axit khoét sâu. Với kỹ thuật lúc này, các bác sĩ cắt một phần thịt đùi của chị, đưa lên tạo hình phần cổ. Chị Loan hy vọng sau ca phẫu thuật này vết thương ở cổ sẽ ổn, nhưng một thời gian sau, phần da đắp lên bị co kéo, do không có mạch máu nuôi dưỡng. Vậy là chị Loan đề nghị bác sĩ tạo hình lại.

Trước đó, phần ngực của chị cũng cháy xém bởi axit, các bác sĩ Bệnh viện Xanhpôn đã phẫu thuật tạo hình phần ngực, áp dụng phương pháp đặt túi nước dưới da. Với phương pháp này, hàng ngày chị Loan đều phải có mặt trong bệnh viện để bơm thêm nước vào túi. Mục đích căng rộng mảng da phần ngực, có đủ da để che phủ phần ngực tạo hình. Những ngày gần hoàn thành, túi nước nặng đến vài cân khiến vai chị Loan như xệ xuống. Đôi khi chị Loan cũng nản, nhưng mỗi lúc như thế nghị lực trong chị lại trỗi dậy, chị quyết không đầu hàng!

Chị Loan kể rằng, có bác sĩ ái ngại cho chị nên khuyên anh Điệp về nhà đập hết gương đi, cho chị đỡ phải trăn trở xấu- đẹp. “Nhìn bộ dạng lúc đó tôi biết, nếu muốn trở lại với khuôn mặt như trước cần có sự quyết tâm cao, nếu lúc này buông xuôi coi như đã chấp nhận số phận. Trong tôi có một ham muốn mãnh liệt là xóa được dần đi những dấu vết mà tai nạn đã mang đến, để mỗi sáng thức dậy không còn bị ám ảnh. Vì vậy, quá trình điều trị bao đau đớn nhưng chưa bao giờ tôi kêu than hay có ý định buông xuông. Tôi luôn tâm niệm, không có cái gì khó mà không thể vượt qua, quan trọng là bản thân có dám vượt qua hay không”- chị Loan nhớ lại.

Nỗi đau nhường bước

Quay lại thời gian mới điều trị, sau hai tháng mặc bộ quần áo cao su, chị phải thực hiện ca mổ mắt, xong ca này, mắt của chị mới nhắm lại được bình thường. Một thời gian nằm viện, cứ lột da chỗ nọ đắp vào chỗ kia, tóc tai, người ngợm chị lúc nào cũng dính máu. Những cuộc hẹn của các bác sĩ vẫn tiếp tục được sắp xếp, cùng với đó là số tiền chi phí cho các ca phẫu thuật dần tăng lên. Thế nhưng chị tìm mọi cách để không từ bỏ cuộc chạy chữa.

Rất may lúc đó chị Loan tìm hiểu và được biết tại Viện Bỏng Quốc gia bắt đầu triển khai kỹ thuật vi phẫu ghép mặt. Năm 2006, TS Vũ Quang Vinh của Viện Bỏng Quốc gia vừa tu nghiệp kỹ thuật này ở Nhật Bản về. Không ngần ngại, chị Loan đã tới gặp TS Vinh và bày tỏ nguyện vọng của mình.

TS Vũ Quang Vinh nhớ lại, thời điểm đó, kỹ thuật vi phẫu còn khá mới mẻ, ở Việt Nam chưa từng có ai áp dụng. Trước ca phẫu thuật, bác sĩ và bệnh nhân có gặp trao đổi. Phía bác sĩ cũng bày tỏ thật sự những khó khăn, thuận lợi của ca phẫu thuật cũng như những mạo hiểm với người bệnh. Thế nhưng, chị Loan rất quyết tâm, chấp nhận mọi rủi ro, bởi theo chị cũng “chẳng còn gì để mất”.

Với quyết tâm của cả người bệnh và bác sỹ, ca phẫu thuật kéo dài gần 14 tiếng với bao lo lắng, đau đớn đã thành công. Sau đó còn một thời gian dài hậu phẫu rồi những lần chỉnh sửa lại cho hoàn hảo mà chị không nhớ hết, đến hôm nay, khuôn mặt chị Loan đã tìm lại được dáng vẻ năm xưa.
 Tuy nhiên, “cuộc chiến” chưa phải đã hết, giờ mỗi ngày chị Loan vẫn phải dành ra 10 tiếng để tập các động tác như nhăn nhó, cười, nhíu mày… Phần cổ ghép da cũng đang bị cứng cơ, chị Loan không thể quay đầu thoải mái như người khác. Ngày nào chồng chị cũng phải làm vài động tác để phần cổ của chị mềm mại trở lại.

Từ ngày gặp nạn, phía cơ quan chị vẫn giữ nguyên chế độ lương cho chị. Chị Loan bảo, để bệnh ổn định một thời gian rồi quay trở lại cơ quan làm công tác nghiên cứu…

Chỉ những vệt đen trên trán, chị Loan bảo sẽ tiếp tục vào Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba để làm cho hết vết nham nhở này. Chị còn định tiếp tục chỉnh lại bên má trái cho cân xứng, nhưng tính đi tính lại, qua gần 100 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, sức khỏe không còn được như xưa nên chị tập trung nhiều hơn vào tập các cơ. “Giờ gương mặt phục hồi được tới 70% thì sức khỏe cũng suy giảm đi nửa. Để có được sự tái tạo như hiện giờ, bao phần thân xác cũng bị lấy đi theo. Đau đớn lắm chứ. Nhưng giờ, sự tự tin với cộng đồng được lấy lại rồi. Đi đâu không cần phải mặc bộ đạo Hồi nữa”- chị Loan nói.

Người chị Loan biết ơn nhất chính là người chồng đã sát cánh cùng chị trong những năm tháng chữa bệnh đằng đẵng. Khi chị gặp nạn, anh Điệp đã quyết tâm cùng vợ đi khắp chốn để chữa trị. Anh đã phải bán xưởng may đang làm ăn phát đạt, bán nhà to, chuyển qua nhà nhỏ sống. Ngoài chồng, chị Loan vẫn ứa nước mắt khi nhớ lại về con. Chị bảo, khi nằm trên giường bệnh, điện thoại cho đứa con gái hai tuổi, nó mừng rỡ reo lên: “Mẹ Loan, mẹ Loan”, nhưng lúc gặp mặt thì con nói: “Không phải mẹ Loan, mẹ Loan xinh cơ!”.

“Giờ không dám nhìn lại những bức ảnh hồi mới gặp nạn, nhiều lúc cũng thấy phục mình vì đã dám vượt lên trên số phận. Đi bên cạnh mình trong những ngày khó khăn, đau đớn ấy là cả một gia đình đầy yêu thương, chính gia đình đã giúp mình vượt qua tất cả”, chị Loan nói.

Đứa con gái của chị giờ đã lên 9 tuổi, đi học về là cháu chạy vào ôm chầm lấy mẹ ríu rít: “Mẹ là người đẹp nhất!”. Với đứa con trai lớn, ngày gương mặt chị còn chưa được hoàn chỉnh, vẫn phải mặc bộ quần áo đạo Hồi, nó vẫn rủ mẹ đi tham quan cùng lớp. “Cháu bảo, mẹ đi cùng lớp con không cần che mặt. Con tự hào về mẹ. Cháu cũng muốn tôi hòa đồng với xã hội nên làm thế”, chị Loan xúc động kể lại.

TS Vũ Quang Vinh (Viện Bỏng quốc gia), người thực hiện ghép da mặt cho chị Loan, cho biết, với một ca bỏng axít nặng như chị Loan, có kết quả như ngày hôm nay là một thành công lớn.

Thời điểm 2006, chuyển vạt da bả vai lên ghép cho bên mặt trái của chị Loan bằng kỹ thuật vi phẫu là ca đầu tiên TS Vinh thực hiện sau khi học ở Nhật Bản về. Ca ghép đã thành công tốt đẹp. Đến nay, chị Loan đã lấy lại được trên 80% khuôn mặt như trước khi bỏng. Tại một hội nghị quốc tế, khi TS Vinh báo cáo về ca này, mọi người đều rất ngạc nhiên. Kết quả này là nỗ lực lớn của bệnh nhân cùng với những tiến bộ của y học.

Còn PGS.TS Trần Thiết Sơn (Bệnh viện Xanhpôn), người tham gia tạo mũi, miệng, cắt sẹo vùng ngực…cho chị Loan cũng cho rằng, trường hợp bỏng axít được phẫu thuật lại như chị Loan là rất thành công. Các kỹ thuật tiên tiến hiện nay có thể giúp cho những nạn nhân bỏng có điều kiện được cứu chữa.

Theo Giadinh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét