Hầu hết du khách đến xin chữ không ai mặc cả giá trước khi ông đồ viết cả. |
Vào các ngày (4,5,6 Tết) dòng người từ khắp mọi nơi về Văn MIếu Quốc Tử Giám, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội vừa để vào dâng hương, vừa để ra “phố ông đồ” xin chữ đầu năm lấy may mắn. Tuy nhiên, các du khách tới đây xin chữ xong mới biết phải trả giá "giật mình" nhưng không một ai dám kêu, vì đầu xuân ai cũng muốn vạn sự lành, tránh cãi cọ. Như thể đục nước thả câu, các ông đồ thi nhau “chém” khách xin chữ vô tội vạ.
Trong ngày mùng 4 Tết (tức 13/2), anh Nguyễn Trung Sơn (32 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) tới đây xin chữ lấy may nhưng ngỡ ngàng trước giá "cho chữ" của ông đồ. Anh Sơn bức xúc nói: “Chữ viết mấy dòng như vậy sao lấy tới 600.000đ/ chữ. Ngày viết lấy 10 người như vậy chắc giàu to, nói đến đây, giữa tôi và ông đồ chẳng ai nói đi, nói lại làm gì”.
“Tôi phản ứng như vậy nhưng ông đồ chẳng nói gì hết, có lẽ ông ấy sợ khách khác biết mình thu quá đắt không ai dám vào cửa hàng mình nữa. Hơn nữa đầu năm tôi cũng không muốn đôi co với ông đồ “chém” đẹp tôi như vậy, vì tôi muốn suôn sẻ cho cả năm nên không làm to chuyện”, anh Sơn tâm sự.
Còn bạn anh Sơn là anh Lê Nguyên Vũ (35 tuổi, cạnh nhà anh Sơn) cũng cho biết: “Đầu năm đưa vợ con đi chơi Văn Miếu Quốc Tử Giám, tiện ra “phố ông đồ” xin chữ cho con, ai ngờ bị ông đồ "chém" 400.000đ/chữ. Xin chữ cho con nhằm mục đích lấy may, lấy lộc cho con khỏe mạnh, học giỏi… nhưng may đâu chẳng thấy, chỉ thấy mất tiền oan vì chữ mà chữ các ông ấy viết không biết có đúng không nữa cơ chứ”.
Tuy nhiên, anh Vũ chia sẻ thêm: “Tôi may hơn bạn tôi nhiều (anh Sơn), bởi tôi chỉ mất có 400.000đ vì chữ. Còn bạn tôi mất tới 600.000đ/ chữ, nếu so tôi với bạn tôi thì tôi đang còn rẻ hơn. Nhưng có một điều chắc chắn năm sau tôi không dại gì mà ra phố này xin chữ nữa. Người cho chữ làm như vậy, chẳng khác làm thương mại, cho chữ không có cái tâm và cái tầm thì không nên làm nghề cho chữ”.
“Đáng lý người cho chữ, khi viết chữ xong phải để người xin tự trả cho họ thì đúng hơn. Vì những người đi xin chữ lấy may, ai cũng biết công sức các ông đồ viết và tờ giấy của các ông ấy mua bao nhiêu tiền. Người xin chữ, không đời nào để các ông đồ bị thiệt cả” , anh Vũ giải thích.
Chị Nguyễn Hoàng Lan buồn bã nói: “Tôi xin chữ đầu năm để lấy may, nhưng kiểu “chém” như các ông đồ này thì cắt mất lộc rồi còn đâu. Một tờ giấy, 2 chữ to và khoảng 4-5 chữ nhỏ, thậm chí một tờ chỉ 1 chữ to mà các ông ấy lấy tới 400.000 -600.000 đ. Trong cái thời buổi kinh tế khó khăn, cho chữ kiểu "chém" khách thế này ai dám đến nữa”.
Em Nguyễn Thái Hòa (16 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) người xin chữ vui vẻ nói: “Em đi xin chữ để học giỏi hơn, may mắn hơn”. Tuy nhiên, khi hỏi em có biết chữ gì không, Hòa cho biết: “Em bảo ông đồ viết cho chữ gì thì ông ấy viết như vậy, em đâu có biết chữ Hán”. Hỏi về giá xin chữ, Hòa cười gượng: "Đắt anh ạ!".
Theo chị Lan, anh Sơn, họ đi xin chữ chẳng lẽ lại hỏi bao nhiêu tiền, trả lên, trả xuống như mớ rau, mớ cá ngoài chợ thì ra trò trống gì. Nhưng chính vì không hỏi giá trước mới bị các ông đồ “chém” cũng phải. Tuy nhiên, có một số ông đồ lấy vừa phải, thật thà không chặt chém, đó là những người tuổi cao.
Theo Eva
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét