Hầu hết bé sơ sinh đều bị vàng da (Ảnh minh họa). |
Chỉ cần một chút kiến thức, mẹ sẽ phát hiện ra dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm với bé.
Đối với bé sơ sinh, khi có 'sự cố' sức khỏe thì dấu hiệu thường xuất hiện ra bên ngoài. Do đó, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến một số hiện tượng báo động đỏ về tình hình sức khỏe của bé dưới đây:
1. Bụng nhô cao
Hầu hết bụng của bé sơ sinh đều hơi nhô lên, đặc biệt sau khi ăn no, tuy nhiên nó thường mềm. Trong trường hợp bụng trẻ có dấu hiệu sưng phồng, cứng và tình trạng không đi tiêu kéo dài lâu hơn 1-2 ngày hoặc bị nôn ói thì hãy đưa trẻ tới bác sĩ nhi khoa để kiểm tra.
Đa phần, trẻ khó đi tiêu là do bị đầy hơi, táo bón nhưng cũng có một số trường hợp đó là dấu hiệu bé gặp ‘trục trặc’ về đường ruột.
2. Vàng da bất thường
Trẻ sơ sinh đều có hiện tượng vàng da do các hồng cầu của thai nhi bị phá hủy để thay thế bằng hồng cầu trưởng thành. Nếu quá trình này diễn ra bình thường, lượng bilirubin trong máu trẻ được đào thải dần qua phân và nước tiểu, trẻ sẽ hết vàng da sau 7- 10 ngày.
Tuy nhiên, nếu trẻ đi tiểu ít, nước tiểu trong, bú kém, vàng da lan xuống tay, chân... là dấu hiệu của vàng da nặng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, lượng bilirubin tăng quá cao sẽ thấm vào não làm cho trẻ bị hôn mê, co giật, tử vong... hoặc để lại những di chứng về tâm thần vận động vĩnh viễn.
3. Phân có ‘màu lạ’
Phân chỉ đơn giản là chất thải của cơ thể nhưng đối với bé sơ sinh, quan sát màu phân có thể đánh giá được phần nào tình trạng sức khỏe của bé.
Bé sơ sinh thường đi ngoài rất nhiều lần trong ngày, trung bình khoảng 3-5 lần/ ngày. Bé bú bình có phân sền sệt màu vàng kim hoặc vàng nâu, mùi chua. Đối với những bé ăn sữa ngoài thì phân đặc hơn và có mùi thối.
Khi thấy bé đi ngoài phân trắng, nhạt thì bạn cần đặc biệt lưu tâm vì rất có thể gan của bé có vấn đề hoặc ống mật của bé bị tắc. Trường hợp trẻ bị phân nhầy, màu xanh: thường gặp ở trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Cũng có thể nguyên nhân là do bé đang bị sổ mũi, viêm đường hô hấp trên. Hoặc nếu bé đi ngoài nhiều lần, phân nước có lẫn chất nhầy, bé nôn nhiều và khóc thét từng cơn thì có thể do bị lồng ruột.
Lưu ý trường hợp bé đi ngoài ra máu, vì bé bị lồng ruột thường có biểu hiện đi tiêu ra máu tươi cùng với việc nôn trớ, khóc thét từng cơn.
4. Thở rên, tím tái
Bạn đếm nhịp thở trẻ tròn trong một phút. Nếu trên 60 lần trong một phút bạn hãy đếm lại lần hai. Nếu vẫn trên 60 lần trong một phút là trẻ có thở nhanh.
Hoặc bạn quan sát cách trẻ thở lúc nằm yên xem có thở mệt, thở hổn hển không. Xem vùng bẹ sườn trẻ từ dưới vú đến bờ sườn có lõm sâu vào rõ rệt không. Nếu có, trẻ có thở rút lõm ngực nặng. Bạn cũng có thể nghe tiếng trẻ thở xem có êm hay rên rĩ, rên è è. Xem môi và quanh môi có tím hay hồng hào. Thở nhanh, thở rút lõm ngực, thở rên, tím tái là dấu hiệu trẻ bị khó thở nặng. Bạn cần mang gấp trẻ đến bệnh viện.
5. Ho
Trong trường hợp bé uống nước nhanh khi bắt đầu tập uống nước vào những lần đầu tiên, bé có thể bị ho và phun phì phì một lát. Tình trạng này sẽ ngừng ngay sau khi bé đã điều chỉnh để quen với việc ăn uống hàng ngày. Họăc đôi khi nguyên nhân của hiện tượng ho cũng có thể liên quan đến dòng sữa mẹ tiết ra quá mạnh và nhanh khi trẻ bú.
Nếu bé ho kéo dài và thường há miệng trong lúc ăn, bạn nên đưa bé đến bác sĩ Nhi khám càng sớm càng tốt vì rất có thể phổi hoặc đường tiêu hóa của bé đang gặp 'trục trặc'.
Theo Eva
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét