Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Vợ chồng 'vênh' cách dạy con

Vợ chồng anh chị liên tục mâu thuân
 cách dạy con (Ảnh minh họa).
Mỗi lần thấy chồng dạy con ngược đời, Hoài không chịu được lại to tiếng cãi vã.


Hoài cấm con đi chân trần ra ngoài mà chưa có dép. Vậy mà vắng mặt vợ, chồng Hoài cho con chạy nhảy ‘thả phanh’, không cần xỏ giày dép.

Mỗi lần thấy chồng dạy con ngược đời, Hoài không chịu được, to tiếng cãi vã với anh xã. “Dạy con, tranh thủ ‘dạy’ cả bố vệ sinh ăn uống, sinh hoạt. Thế nhưng chồng mình chiều con, cái gì cũng tranh làm hộ, bảo ‘kệ nó, nó còn bé’ khiến mình muốn dạy cháu tự lập còn khó” – Hoài ca cẩm.

Đã luyện cho cậu con trai (1 tuổi rưỡi) biết ăn bánh xong mang vỏ bỏ vào thùng rác nhưng mỗi lần chồng Hoài ở nhà, con trai không bao giờ làm việc này. Chồng Hoài thấy con chuẩn bị mở nắp thùng rác là nhào tới bế con, kêu thùng rác bẩn, để lát mẹ đổ rác.

Trường hợp hục hặc trong cách dạy con của Yên với chồng cũng tương tự. Những lúc Yến dạy con gái (2 tuổi) tự xúc sữa chua, tự đội mũ lên đầu, cách tắt điện – bật điện... nhưng chồng Yến nâng niu con quá mức. Anh chẳng bắt con làm gì vì sợ con bị ngã, bị đau...

Yến lớn tiếng: “Anh để yên cho em dạy con” nhưng chồng cô vẫn “nhảy vào”, còn buông lời khó nghe. Chuyện lặp đi lặp lại khiến Yến mệt mỏi. Có lúc, cô cảm giác chồng không còn tình yêu với mình.



Trường hợp “vênh” cách dạy con với chồng là Dung (27 tuổi, nhân viên thu ngân). Dung kể chồng cô rất chiều con, không biết dạy con thế nào cho phải nhưng lại giỏi chê vợ. Dung không muốn cho con ăn vặt vì cu con vốn lười ăn, ăn vặt là bỏ bữa cháo chính. Tuy nhiên, chồng Dung thì “con thích sao là chiều”.

“Con đòi ăn kem chồng mình cũng cho ăn đến mức con bị viêm họng, phải đi tiêm kháng sinh hàng tuần. Xót con, anh ấy lại bảo tại mình vụng, không biết chăm sóc nên con mới ốm. Chẳng bao giờ chồng mình nhận lỗi và hợp tác với mình trong cách nuôi dạy con cả” – Dung than thở.

Chồng Dung cho con thoải mái cầm đũa “chọc ngoáy” mâm cơm. Có lần, cu cậu làm đổ đĩa rau xào ra chiếu, Dung bực bội “tét đít” con. Hai vợ chồng giận nhau cả tháng về chuyện này.

Khi Dung đem chuyện này kể với cô bạn thân, cô ấy còn khen: “Sướng nhé, thế là chồng mày yêu con nên mới quan tâm thế. Chẳng như chồng tao, đi tối ngày có cần biết con mình ăn uống thế nào đâu”.

Lời của cô bạn, Dung thấy cũng có lý. Nhưng hai vợ chồng toàn cãi nhau về con, trong khi mọi chuyện khác đều hòa hợp khiến Dung mệt.

Khi chồng yêu con thiếu phương pháp

Dù bất mãn với chồng thế nào, người vợ cũng tránh phản ứng gay gắt trước mặt con. Có thể chờ lúc chồng bình tĩnh để góp ý kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Tốt nhất ngay từ đầu, vợ chồng nên thống nhất cách dạy con. Những lúc mâu thuẫn chỉ cần thảo luận lại các phương pháp đã thống nhất là hạn chế được xung đột. Tất nhiên trong thực tế nhiều tình huống phát sinh khiến vợ chồng dạy con theo cách mỗi người một ý. Ai cũng cho là phương pháp của mình là hay và không ngừng chỉ trích người bạn đời. Kỵ nhất là khăng khăng giữ ý kiến của bản thân, bác bỏ thẳng thừng ý kiến của người còn lại. Vợ chồng khác nhau về quan điểm, cách sống; vì thế, vênh nhau trong cách dạy con cũng không phải điều gì to tát.

Các bé không dễ sinh hư nếu có mẹ nghiêm khắc, biết dạy con tâm lý. Với tình huống nào đó, người mẹ có thể cùng con ra một góc riêng (không có sự xuất hiện của bố) để phân tích cho con hiểu cái đúng – cái sai, điều gì nên làm, điều gì không... Không có bố là “đồng minh”, người mẹ được dạy con theo cách của mình lại hướng dẫn con đến những điều hay, điều tốt. Dần dần, bé cũng biết tiến bộ và nghe lời người lớn.

Vợ chồng cũng nên tăng cường trao đổi cách nuôi dạy con theo khoa học từ sách vở, chuyên gia hay những kinh nghiệm có được... Đó là cách khắc phục độ vênh trong việc nuôi dạy con.

Theo Eva

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét