Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Sau Tết, rau lại tăng giá "khủng"

Giá rau xanh tăng trở lại khi người dân
 quay lại Thủ đô
Giá cả các loại rau xanh và một số loại hải sản tăng giá đột biến do các tiểu thương tranh thủ chặt chém khi người lao động quay lại Thủ đô sau kỳ nghỉ Tết dài ngày.



Sau khi giảm giá khá mạnh vào khoảng ngày mồng 6, mồng 7 Tết…, giá cả thực phẩm, rau xanh tại các chợ bắt đầu tăng vọt trở lại.

Đắt hơn cận Tết

Kết thúc ngày đi làm đầu năm, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai rẽ qua chợ mua một ít rau củ và thực phẩm cho bữa cơm tối gia đình. Chị Mai không khỏi giật mình vì giá cả các loại còn đắt hơn cả ngày mồng 6 Tết trước đó. 

Thịt bò loại ngon giá 320.000 đồng mỗi kg, trong khi trước đó chị chỉ mua với giá 280.000 đồng. Gà ta sống nhốt chuồng cũng 160.000 đồng mỗi kg, tăng tiếp khoảng 10.000 – 20.000 đồng mỗi kg so với vài ngày trước.

Rau muống 12.000 đồng/bó, đắt hơn 4.000 đồng mỗi mớ so với ngày mồng 6 Tết. Ngải cứu 5.000 đồng/bó bé tí.

Giá trứng các loại vẫn tiếp tục tăng. Hiện trứng vịt có giá 4.000 – 4.200 đồng/quả, tăng khoảng 200 đồng/quả so với đỉnh điểm sốt giá trứng hồi cuối năm 2012. Tương tự, giá xương cục lên tới 100.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi giáp Tết.

Khan hiếm cục bộ

Chị Mai thắc mắc hỏi về giá cả sao lại tăng đột biến cao hơn cả những ngày cận Tết thì được người bán hàng giải thích, giá cả lấy buôn đã tăng lên do nhu cầu tăng cao.

Đặc biệt, giá các loại thủy hải sản tăng rất cao. Tại chợ Phú Đô, cá trắm trắng loại 3,5kg/con đã lên giá 10.000 đồng/kg thành 75.000 đồng/kg. Cá điêu hồng tăng từ 50.000 đồng/kg lên thành 80.000 đồng mỗi kg…

Duy chỉ có ngao là rẻ nhất. Tại chợ Thành Công, ngao chỉ có giá 30.000 đồng mỗi kg. Thậm chí, chị em mua nhiều và khéo mặc cả còn mua được với giá 25.000 đồng mỗi kg. Ở một số tỉnh có vùng nuôi ngao giá thậm chí chỉ từ 15.000 – 20.000 đồng/kg do không có nguồn tiêu thụ sau khi thương lái Trung Quốc rút không mua hàng.

Theo ghi nhận của phóng viên, không khí mua bán ở chợ đã tấp nập hơn hẳn những ngày trước. Một vị chuyên gia cho hay, kỳ nghỉ Tết kết thúc vào ngày mồng 8, đa số các cơ quan, công sở, trường học hoạt động lại từ ngày mồng 9 Tết, người dân ào ạt quay lại Thủ đô, nhu cầu tiêu dùng được khôi phục đã đẩy lượng hàng bán ra tăng lên kéo theo giá tăng lên. Bên cạnh đó, giới tiểu thương cũng lợi dụng đẩy giá thêm chút ít để kiếm lời. Một số loại, đặc biệt là thủy hải sản tạm thời bị khan hiếm cục bộ.

Về cơ bản, nguồn cung mùa vụ vẫn tương đối dồi dào. Theo dự báo, vài ngày nữa khi khâu phân phối điều chỉnh khắc phục tình trạng khan hiếm cục bộ, giá cả thực phẩm và rau xanh sẽ lại hạ nhiệt.

Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình giá cả thị trường dịp Tết Quý Tỵ cho thấy, nhìn chung giá cả thị trường trong dịp Tết chỉ tăng nhẹ, không có những cơn sốt đột biến về giá xảy ra. Từ số liệu của Tổng cục Thống kê cho hay, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2013 cả nước - thời gian trước Tết tăng 1,25% (hai trung tâm tiêu thụ lớn của cả nước có mức tăng thấp hơn: thành phố Hà Nội: 0,95%, thành phố Hồ Chí Minh: 0,44%). So với cùng thời kỳ các năm trước thì đây là mức tăng không quá cao khi đang là thời điểm giáp Tết Nguyên đán.

Những ngày cận Tết, giá cả thị trường về tổng thể có nhích tăng nhẹ, nhưng giữa các nhóm hàng, mặt hàng có những biến động trái chiều nhau. Một số loại hàng hoá, dịch vụ cơ bản do Nhà nước còn điều tiết giá như điện, xăng dầu, than…được giữ ổn định. Nhiều loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu thuộc chương trình bình ổn giá cơ bản bình ổn và thấp hơn giá thị trường khoảng từ 5%-15%. Giá nhóm hàng lương thực như gạo tẻ ngon, gạo nếp ổn định; Giá nhóm hàng thực phẩm tăng nhẹ, trong đó rau xanh tại các tỉnh phía Bắc tăng do thời tiết rét đậm, sau đó giá giảm (27,28 Âm lịch) do thời tiết chuyển ấm hơn.  Sau Tết (mùng 4, 5 Tết) giá rau xanh tăng do nguồn cung thu hẹp;  nhóm thịt gia cầm (gà), gia súc (bò, lợn): tăng nhẹ những ngày cận Tết (27, 28 Âm lịch) và sau Tết (mùng 4, 5 Tết).  

Theo Eva

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét