Lễ Hóa vàng tại một gia đình (Ảnh minh họa) |
Đây chính là ngày cuối cùng, tiệc xuân đã hoàn mãn, con cháu lại cáo lễ đưa tiễn tổ tiên.
Lễ Hóa vàng là cách gọi dân gian của lễ Tạ năm mới (hoặc Tết Khai hạ), là một ngày dâng hương, nhằm mục đích “hồi hướng” cho ông bà, tổ tiên. Lễ Hóa vàng được tiến hành vào ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch. Đây chính là ngày cuối cùng, tiệc xuân đã hoàn mãn, con cháu lại cáo lễ để tiễn đưa tổ tiên trở về cõi “vĩnh hằng”.
Theo sách “Phương Sóc chiêm thú”, sở dĩ lễ Hóa vàng được tiến hành vào ngày mùng 7 tháng giêng là vì ngày thứ bảy đầu năm mới là “ngày của người” (nhân nhật - PV). Còn các ngày khác từ mùng 1 Tết Nguyên đán đến mùng 8 tháng giêng là ngày của các giống động vật và thực vật.
Ví dụ như ngày mùng 1 là ngày của giống gà, mùng 2 của giống chó, mùng 3 của giống lợn, mùng 4 của giống dê, mùng 5 của giống trâu, mùng 6 của giống ngựa, mùng 8 của giống thóc…
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay tùy hoàn cảnh và điều kiện của mỗi gia đình mà có thể tiến hành lễ Hóa vàng vào các ngày khác như ngày mùng 2, mùng 3… chứ không cứ phải mùng 7 như tục xưa nữa.
Trao đổi với PV, đại đức Thích Giác Nguyên (Nam Định) cho biết: “Ý nghĩa quan trọng của lễ Tạ năm mới là bày tỏ lòng biết ơn của gia chủ đến chư phật, thần linh, gia tiên… đã luôn yểm trợ, phù hộ cho gia chủ trong một năm qua. Nhưng ý nghĩa quan trọng nhất là “hồi hướng” đến các chư vị trên (Đức Phật, thần linh, gia tiên...); tức là đem các công đức của gia chủ đã tu được trong đời sống hằng ngày, để xoay cái nhân được hưởng phước báo gom về sự vãng sinh Tây Phương cực lạc thế giới, nhằm mục đích liễu sinh thoát tử, cho đến rốt ráo thành Phật trong tương lai”.
Song cũng theo đại đức Thích Giác Nguyên thì người xưa và thậm chí là bây giờ, mọi người thường quan niệm rằng: Lễ Tạ năm mới chính là cầu xin các đấng thần linh, ông bà, tổ tiên phù hộ độ trì cho gia chủ tiếp tục bước vào cuộc sống may mắn, phát đạt trong suốt năm mới. Nếu để hương, đèn, nến tắt, tự tiện hạ các vật phẩm trước khi lễ tạ là bất kính với thần linh, tổ tiên.
Hiện nay, nhiều gia đình đốt rất nhiều với vàng mã với đủ các thể loại như nhà lầu, xe hơi, máy tính… có giá trị rất lớn cho người cõi âm. Bên cạnh việc tốn kém về tiền bạc còn gây ra việc ảnh hưởng đến môi trường. Họ không biết rằng giáo lý nhà Phật không có chuyện đốt vàng mã.
Nhiều người đã biến ngày lễ Hoá vàng - lễ Tạ năm mới thành mê tín với việc đốt vàng mã, mâm cao cỗ đầy...
“Những hành động biểu hiện sự báo hiếu của người đang sống đối với những người đã khuất, quan trọng là phải khởi cái tâm trong sáng, không mong cầu thì mới đem lại sự an lạc cho thân tâm mình. Nếu cái tâm không trong sáng thì dù mâm cao cỗ đầy, “người nhận” cũng chẳng hoan hỷ. Bởi chúng ta đã phát khởi cái tâm “xin xỏ” thì tự ắt lòng sẽ nổi tính tham lam rồi sinh ra sân, si, ngạo mạn. Như vậy, việc tạ ơn hay hồi hướng cho các chư vị không còn mang ý nghĩa nữa” - đại đức Thích Giác Nguyên nhấn mạnh.
Văn khấn lễ Hóa vàng ngày tết
Nam mô A Di Đà Phật
Kính lạy:
- Hoàng thiên hậu thổ chư vị tôn thần
- Ngài Sở Vương đương niên hành khiển năm Nhâm Thìn, ngài bản cảnh Thành hoàng, các ngài thổ địa, táo quân, long mạch tôn thần.
- Các cụ tổ khảo, tổ tỉ, nội ngoại tiên linh.
Hôm nay là ngày mồng ... tháng giêng năm Nhâm Thìn, chúng con là … hiện cư ngụ tại số nhà …, khu phố …, phường …, thành phố...
Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, trà tửu lễ nghi, cung bày trước án. Kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên đán đã qua, nay xin lễ tạ tôn thần, rước tiễn âm linh trở về âm cảnh.
Kính xin lưu phúc, lưu ân, phù hộ độ trì dương cơ âm trạch, mọi chỗ tốt lành, con cháu được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng.
Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.
Nam mô Chứng Minh Sư Bồ Tát (3 lần).
(Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin)
Theo Eva
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét