Trẻ thêm bệnh do tùy tiện tắm nước lá (Ảnh minh họa) |
Để phòng và điều trị các bệnh về da cho trẻ nhỏ, nhiều cha mẹ thường truyền tai nhau kinh nghiệm tắm nước lá vì cho rằng có tác dụng diệt khuẩn lại không có hoá chất. Tuy nhiên, việc tắm nước lá tuỳ tiện lại làm trẻ mắc bệnh thêm.
Tắm nước dừa khiến con viêm da nặng
Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mỗi ngày tại bệnh viện có trên 100 trẻ em vào khám với những tổn thương trên da. Điều đáng nói, có không ít trường hợp đã trở nặng do cha mẹ không biết cách phòng và điều trị cho trẻ mà tự ý sử dụng các loại lá, hoa quả theo truyền miệng để chữa trị.
Điển hình là trường hợp của bé Trần Quang Minh, hơn 7 tháng tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội. Bé đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng mụn trên đầu rất dày đặc do mẹ bé đã lạm dụng nước dừa để tắm cho con.
Chị Thanh Hương, mẹ của bé Minh cho biết, nghe mọi người mách tắm bằng nước dừa da trẻ sẽ mát mẻ, không bị rôm sảy nên chị thường xuyên mua nước dừa về tắm cho cháu. Nhưng sau một thời gian thì da đầu cháu mọc mụn rất nhiều. Sau khi cháu bị nổi mụn trên đầu, chị cũng rửa mặt cho bé rồi bôi thuốc mà chị tự ra hiệu hỏi mua rồi được nhà thuốc tư vấn và bán. Ngay sau đó, một số nốt mụn to thì xẹp xuống nhưng sau vài ngày các nốt mụn lại nổi lên nhiều hơn, chị đành phải cho con đến bệnh viện.
Không riêng gì trường hợp của bé Minh, khá nhiều trẻ cũng đến viện trong tình trạng bệnh ở da đã nặng. Theo các bác sĩ, vì da là hệ thống phòng vệ ban đầu rất quan trọng của của cơ thể. Trên da luôn có tụ cầu và nhiều vi sinh vật khác. Vì vậy, các bệnh về da có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng ở trẻ em do sức đề kháng cơ thể chưa được hoàn thiện, cộng với làn da rất mỏng và mềm nên dễ bị tổn thương.
Chỉ tắm nước lá cho trẻ khi nào?
Theo Bác sĩ, An Thị Kim Cúc, Nguyên phó chủ nhiệm Khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, có nhiều trường hợp gia đình dã dùng nước dừa để tắm cho trẻ sơ sinh và tắm trong vòng 1 tuần khiến bé bị viêm da rất nặng. Bởi vì, trong nước dừa có đường làm bít các lỗ chân lông, dẫn đến tình trạng viêm da.
Da trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh còn rất mỏng, cấu trúc chưa ổn định nên rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng. Trong khi đó, các loại lá lại mọc ở bờ bụi nên rất dễ nhiễm khuẩn. Thậm chí có thuốc bảo vệ thực vật nên khó rửa sạch ngay cả khi đun sôi nên nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Do đó, chỉ nên tắm nước lá cho trẻ khi có chỉ định của bác sĩ Đông y và chỉ thực hiện với trẻ ngoài 1 tuổi.
Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Mai Hương, Phòng khám Da liễu, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết, chỉ khuyên dùng các bài thuốc làm từ cây lá cho trẻ trong trường hợp trẻ mới bị viêm da nhẹ. Và phải chú ý quá trình thu lượm, chế biến sản phẩm để thành một bài thuốc phải thực sự vô trùng.
Tùy từng đặc tính da của trẻ mà tắm các loại lá khác nhau. Ngay cả lá bàng, lá chè xanh mà các bậc cha mẹ hay dùng để tắm cho con cũng có thể khiến trẻ mắc bệnh. Trong 2 loại lá này có chất tamin dễ làm cho da trẻ bị tổn thương. Hay như lá tre tuy không độc, nhưng cũng không nên dùng vì có lông nên dễ làm cho trẻ bị ngứa và dị ứng.
Ngoài ra, có một số loại lá tuyệt đối không được dùng đẻ tắm cho trẻ như: lá trúc đào, lá than, lá bạch hoa xà thiệp thảo vì chúng có chứa chất độc có thể gây viêm da, nhiễm trùng nặng.
Và điều đáng lưu ý là tuyệt đối không tuỳ tiện tắm lá cho trẻ khi trẻ có các bệnh ngoài da mà nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị đúng.
Mong rằng những lời khuyên trên sẽ giúp các bậc cha mẹ có thêm kiến thức để hiểu hơn về việc dùng nước lá mà có sự lựa chọn phù hợp khi tắm cho trẻ.
Theo Eva
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét