Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Chuyện bà mẹ "xì tin"

Hiểm họa rình rập khi làm mẹ quá trẻ.
(Hình minh họa)
Các thai phụ trẻ tuổi thường phải đối mặt với rất nhiều rủi ro xuyên suốt thai kỳ.


“Tôi vẫn còn nhớ rất rõ lần đầu tiên biết mình mang thai – ngay sau khi mừng sinh nhật lần thứ 19 được 2 tuần. Những tháng ngày sau đó, tôi cảm thấy mình như bước qua trang mới, với những biến chuyển rất khó diễn tả. Cái bụng thì vừa to vừa nặng, cả cơ thể lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi và những lần ốm nghén thì thật kinh hoàng…”, bà mẹ trẻ Thanh Tâm (Hà Giang) chia sẻ.

Làm mẹ ở lứa tuổi “teen”, không chỉ Tâm mà nhiều cô gái khác không khỏi choáng ngợp và hoảng hốt trước thay đổi của việc mang bầu. Mà thay đổi lớn nhất chính là ở ngoại hình cơ thể.

Không phải bà mẹ nào cũng tự tin với thân hình bầu bí. (Hình minh họa)

Ở độ tuổi mà các cô gái thi nhau ăn kiêng để làm đẹp, thì những người mẹ trẻ phải ra sức ăn để nuôi thai nhi trong người. Vùng bụng mở rộng và ngày một căng ra, ngực lớn dần và trở nên mềm, kèm theo những triệu chứng như buồn nôn, mệt mỏi, đi tiểu thường xuyên khiến các hoạt động hằng ngày của thai phụ trẻ trở nên thật khó khăn.

Nhưng tất cả điều đó đều là chuyện thường tình khi mang thai. Vấn đề ở chỗ, hầu hết các bà mẹ “teen” thường có lối sống khá “vô tư”, thoải mái uống bia rượu, ăn uống vô tội vạ, thức khuya dậy trễ, không có lịch khám sức khỏe định kỳ, hoạt động mạnh và thậm chí nguy hiểm hơn là dùng thuốc bừa bãi… 

Tất cả những hành vi thiếu lành mạnh như vậy không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn đến sự an toàn của bé. Và hậu quả của chúng vô cùng nghiêm trọng.

Bệnh thiếu máu

Chế độ dinh dưỡng không hoàn thiện sẽ khiến thai phụ nhanh chóng bị sụt cân và thiếu máu trong những tháng thai nhi đang dần lớn mạnh. Một cô gái giấu tên chia sẻ: “Mình vẫn thường cảm thấy mệt mỏi và cóng lạnh chân tay. 

Nhiều lúc chỉ cần đứng dậy nhẹ nhàng thôi mà mình đã xây xẩm mặt mày rồi nhưng chỉ nghĩ đây là triệu chứng thường gặp của việc mang thai nên mình cũng không nói gì với bố mẹ hoặc bác sĩ cả”. 

Tuy mệt mỏi trong thai kỳ là chuyện bình thường nhưng các dấu hiệu như lạnh bàn tay, bàn chân, đau đầu, khó thở, mặt mày nhợt nhạt đều cần được xử lý ngay lập tức vì khi đó cơ thể người mẹ đang mang lượng chất sắt thấp trầm trọng do thiếu máu.

Cao huyết áp

Cao huyết áp hay tiền sản giật là biến chứng vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thai phụ trẻ nhiều hơn các thai phụ lớn tuổi. Những bà mẹ ở tuổi vị thành niên khi trải qua các đợt cao huyết áp có thể dẫn tới tổn thương các cơ quan trong cơ thể, co giật, hôn mê và thậm chí là tử vong nếu không được điều trị. 

Điều đáng lo ngại là các thai phụ trẻ thường không nhận được sự chăm sóc kỹ càng trước khi sinh, nên họ cũng không được điều trị khi trải qua đợt tiền sản giật.

Khi phát hiện biến chứng, hãy nằm nghỉ trên giường hoặc nhập viện càng sớm càng tốt, dùng thuốc hạ huyết áp theo chỉ dẫn của bác sĩ và nếu trong tình trạng nguy cấp, thì có khả năng thai phụ buộc phải mổ bỏ thai.

Sinh non

Hút thuốc là một trong những nguyên nhân dẫn đến sinh non. Sinh non thường để lại những vấn đề nghiêm trọng trong sức khỏe lâu dài của bé, một trong số đó là trẻ bị thiếu cân. Theo nghiên cứu, trẻ sơ sinh nhẹ hơn 2,5 kg được coi là thiếu cân và cần được chăm sóc đặc biệt. 

Bởi thiếu cân có thể là dấu hiệu các cơ quan trong cơ thể bé chưa được hoàn thiện đầy đủ, dẫn đến các bệnh về đường hô hấp, rối loạn đường ruột, mất thị giác, chảy máu não… 

Những bé cân nặng dưới 1,5 kg có khả năng chết non cao gấp 100 lần so với trẻ có cân nặng từ 1,5 – 2,5 kg có khả năng không thể vượt qua năm đầu tiên gấp 5 lần bé bình thường. Không chỉ vậy, những đứa bé sinh ra từ các bà mẹ trẻ mang tỉ lệ mắc bệnh AIDS cao ở mức báo động.

Những ảnh hưởng lâu dài

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, con của các bà mẹ trẻ không chỉ chịu ảnh hưởng trong những năm đầu sau sinh, mà còn chịu những tổn thất lâu dài. Và một trong những ví dụ điển hình nhất chính là sự thiếu thốn về tình thương cha mẹ. 

Đương nhiên người mẹ nào cũng thương con nhưng những người còn chưa đủ kinh nghiệm để chăm sóc bản thân thì không thể chăm con chu đáo như bình thường. Điều này sẽ dẫn đến các hành vi ngỗ ngược của bé, thành tích học tập không cao và đôi khi còn ảnh hưởng xấu đến tương lai của trẻ.

Quá trẻ để đương đầu

Việc mang thai khi người mẹ chưa trưởng thành không chỉ gây nhiều rủi ro về sức khỏe mà còn tạo ra những áp lực khác về tinh thần và cuộc sống về sau. Hầu hết các cô gái “lên chức” mẹ ở tuổi đi học đều phải tạm ngưng hoặc nghỉ học để sinh con. 

Và dù có kiên trì tiếp tục học, họ cũng phải đối mặt với những ánh mắt nghi ngại của mọi người xung quanh. Chính áp lực về tinh thần là yếu tố gián tiếp tác động đến sức khỏe của thai phụ trong thời điểm này.

Ngoài ra, việc bỏ học nửa chừng còn khiến các bà mẹ trẻ rất khó khăn để cho bản thân và đứa con sau này. Cho dù gia đình có sự trợ giúp về tài chính nhưng với việc học dở dang thì về sau họ cũng phải mất một quãng đường dài để bù lại những gì đã bỏ qua.

Theo Eva


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét