|
Mẹ chồng không cho tôi thơm con vì sợ bị dính vi trùng.
Trước khi lập gia đình em đã nghe mọi người xung quanh “răn đe” về những sự khó chịu và ngột ngạt khi mẹ chồng nàng dâu không hợp ý nhau. Khi ấy phần do chủ quan, phần vì rất tự tin vào khả năng của mình là dễ chiếm được cảm tình từ người khác nên em cũng chẳng hề mảy may lo lắng. Quả thực những ngày đầu về làm dâu em rất hợp với gia đình chồng, nhất là mẹ chồng, nhưng đúng là những người đi trước nói chẳng sai chút nào, càng ngày em và mẹ chồng càng hay xung đột ý kiến, nhất là cách chăm con.
Chả là em mới sinh con được hơn sáu tháng, nhưng từ đó tới nay em đã bị mẹ chồng mắng không biết bao nhiêu lần vì tội bất cẩn, xuề xòa rồi. Bình thường lên Eva đọc tâm sự em cũng thấy các chị hay than vãn về vấn đề mẹ chồng nàng dâu, thế nhưng có lẽ chưa mẹ nào lại rơi vào hoàn cảnh oái oăm giống như em lúc này. Vẫn biết người già thường cẩn thận, thế nhưng cái gì quá cũng không tốt, nhất là kiểu chăm cháu quá kỹ của mẹ chồng em.
Ai đời từ lúc bắt đầu sinh ở viện về đến bây giờ, khi con em đã được gần bảy tháng, bà nội cứ bắt cháu phải ở yên trong nhà, mà cụ thể là ở trong phòng ngủ của bà, không được ra ngoài vì lý do sợ nhiễm vi trùng, bụi bẩn. Đến bữa ăn bà tự tay pha sữa, nấu bột rồi mang lên phòng đút cho cháu. Thỉnh thoảng e có lỡ ẵm con sang phòng khách xem tivi hoặc xuống phòng ăn thì ngay lập tức bị bà “quát” và bắt bế trở lại phòng bằng được.
Nói về khoản cẩn thận thì có lẽ chẳng ai có thể đọ được với mẹ chồng em. Cháu được gần bảy tháng rồi mà bà vẫn “nâng như nâng trứng”, tất cả mọi thứ đều phải sạch sẽ và an toàn tuyệt đối, hoặc nếu không thì cũng phải “suýt tuyệt đối”. Tháng đầu tiên sau khi sinh mẹ chồng toàn mua nước khoáng về rồi tự tay tắm cho cháu vì sợ nước máy nhiều vi trùng.
Mẹ chồng luôn muốn tự tay chăm sóc cho cháu (Ảnh minh họa) |
Tất cả mọi đồ dùng của bé, từ bình sữa, thìa, bát, nồi nấu bột, máy xay…, cho đến thau, chậu để giặt quần áo… bà đều sắm riêng cho cháu và “cấm tiệt” tất cả mọi người không được ăn chung, rửa chung, dùng chung đồ. Bất kể là trước khi nấu, trước khi ăn, trước khi tắm hay trước khi giặt, bà đều lấy nước nóng tráng và ngâm thìa, bát, thau, chậu trước để diệt khuẩn.
Không những vậy, bà đặt ra quy định là ai muốn bế Titi thì đều phải đi rửa tay trước. Nếu người nào vừa mới có việc chạy ra khỏi cửa nhà dù chỉ 5 phút thôi khi về cũng phải thay quần áo, rửa chân tay thật sạch mới được bế cháu. Có lần, em vừa đi làm về nhưng vì nhớ con quá nên chạy lại thơm con, thế là ngay lập tức bị mẹ chồng mắng cho té tát với lý do là: “Miệng người lớn nhiều vi khuẩn”. Tính em vốn nhát nên chẳng dám “bật” lại mẹ chồng ngay lúc đó, vậy là đành phải lủi thủi đi tắm, thay quần áo sạch sẽ rồi mới được vào bế con.
Khi đi làm, em có chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc con với các chị ở cùng cơ quan thì được biết bé chỉ khoảng một tháng tuổi là đã nên cho ra ngoài trời để tập tiếp xúc với ánh sáng, không khí, thậm chí là nên cho bé tắm nắng để tổng hợp vitamin D, phòng ngừa bệnh còi xương. Vậy là em đánh liều về nhà kể với mẹ chồng. Đúng như những gì em dự đoán, bà gạt phắt ý kiến của em đi, rồi tuôn cả một tràng dài mắng, nào là em không biết gì, không có kinh nghiệm, bên ngoài có biết bao nhiêu là ấu trùng và vi khuẩn, rồi trẻ con yếu, cho ra tắm nắng chắc chắn sẽ bị ốm…
Em cũng nhỏ nhẹ đưa ra rất nhiều lý lẽ để bảo vệ ý kiến của mình nhưng cuối cùng vẫn không thể thắng nổi sự độc đoán và kỹ tính của mẹ chồng. Khổ nỗi ông xã nhà em tính cũng cực kỳ sạch sẽ, vậy nên khi thấy mẹ cẩn thận như vậy thì luôn ủng hộ nhiệt liệt. Cả nhà chỉ có mình em ở một phe, tiếng nói yếu ớt quá nên cũng không có tác dụng.
Là một người mẹ nhưng lúc này em thấy mình bất lực quá. Không hiểu đây là do tính mẹ chồng em cẩn thận hay là bởi tư tưởng và suy nghĩ của hai thế hệ khác nhau. Em rất lo lắng rằng nếu cứ được chăm sóc quá kỹ như vậy thì sau này con lớn sức đề kháng sẽ yếu và càng dễ mắc nhiều bệnh tật hơn, thế nhưng em chẳng biết phải làm thế nào để thay đổi những suy nghĩ đã bám gốc bám rễ ở trong đầu mẹ chồng được nữa.
Theo Eva
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét