Trong năm 2012, công tác y tế, dân số đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ, tuy nhiên khó khăn không phải đã hết.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội thảo quốc gia về Mất cân bằng giới tính khi sinh, ngày 3/11/2012. Ảnh: Chí Cường |
Bước vào năm Quý Tỵ - 2013 này, ngành còn phải nỗ lực vượt bậc để hoàn thành những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó…
Tập trung vào 4 dịch bệnh
Trong năm qua, công tác y tế đạt được rất nhiều thành tựu: việc giảm tải bệnh viện có những bước chuyển biến tích cực, chất lượng khám chữa bệnh được tăng lên, các dịch bệnh mới nổi được kiểm soát tốt, số bệnh nhân tử vong vì mắc bệnh tay chân miệng giảm, chỉ còn ¼ so với năm 2011, ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật hiện đại trong y học (ghép tủy, ghép gan, tim, thận…), tìm được căn căn nguyên, khống chế thành công bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân…Những thành tựu này đã góp phần tích cực trong việc chăm sóc nhân dân.
Tuy nhiên bên cạnh những thành công, thuận lợi, vẫn còn những khó khăn mà ngành y tế phải đối mặt trong năm Quý Tỵ này. Theo thông tin đưa ra tại Hội nghị giao ban trực tuyến Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2012 và Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2013 (tổ chức ngày 20/10/2012) thì tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh như đậu mùa, dịch hạch, uốn ván sơ sinh đã sớm được Việt Nam loại trừ, nhưng nhiều dịch bệnh như: tả, sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh dại, sốt rét, lao…lại bùng phát trở lại. Tính trong năm 2012, cả nước ghi nhận hơn 100.000 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành, hơn 51.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, dịch cúm gia cầm cũng diễn biến phức tạp (trong năm 2012, dịch xuất hiện tại 26 địa phương, cả nước đã có 4 trường hợp nhiễm cúm A H5N1 và 2 trong số đó tử vong), bên cạnh đó là sự biến đổi của nhiều dịch bệnh, thậm chí kháng thuốc (như sốt rét) đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng người dân.
Trước tình hình dịch bệnh như trên, tại Hội nghị, sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế và những ý kiến tham luận của một số Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân một mặt ghi nhận sự nỗ lực của Bộ Y tế trong việc chỉ đạo tốt công tác phòng chống dịch bệnh, hạn chế ở mức thấp các trường hợp tử vong, mặt khác chỉ đạo: “Trong thời gian tới, Bộ Y tế cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các hoạt động phòng, chống dịch bệnh từ Trung ương đến địa phương, trong đó tập trung vào 4 bệnh dịch: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm và bệnh dại. Tổ chức kiểm tra việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch năm 2013 của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước; chủ trì, phối hợp với Bộ NN & PTNT, Bộ GD & ĐT tổ chức đợt tổng kiểm tra trên toàn quốc, phân mức độ nguy cơ của các địa phương trong phòng, chống dịch bệnh… Xã nào, huyện nào, tỉnh nào có nguy cơ cao cần được xác định tên rõ ràng và triển khai quyết liệt các giải pháp để giảm nhanh các nguy cơ trong năm 2013”.
Phó Thủ tướng còn nhấn mạnh, Bộ Y tế cần rà soát thực trạng nhân lực, cơ sở vật chất của toàn ngành và đánh giá tình hình dịch bệnh, xem xét trình Chính phủ Đề án tăng cường năng lực hệ thống y tế dự phòng trong đó có nâng cấp Trung tâm Y tế huyện, Chiến lược quốc gia y tế dự phòng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030…
Cả hệ thống phải nỗ lực
Năm 2012, với sự nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ, công tác DS –KHHGĐ đã gặt hái được những thành công lớn: 7 năm liên tiếp chúng ta giữ vững mức sinh thay thế; lần đầu tiên tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh được khống chế ở mức 0,4 điểm phần trăm/năm, trong khi giai đoạn trước đó là 0,7 - 1,15 điểm phần trăm/năm; nhiều mô hình, dự án, đề án đã và tiếp tục được triển khai sâu rộng trên cả nước, tạo điều kiện, cơ hội để người dân tiếp cận và thụ hưởng các chính sách về Dân số, chăm sóc SKSS/KHHGĐ vv...
Cũng trong năm 2012, Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia DS- KHHGĐ giai đoạn 2012 - 2015. Điều này thể hiện sự quan tâm, ủng hộ và cam kết mạnh mẽ của Quốc hội, Chính phủ đối với công tác DS-KHHGĐ trong cả nước, coi công tác DS-KHHGĐ là một mục tiêu quan trọng đặc biệt của quốc gia.
Tuy nhiên bước vào năm Quý Tỵ này, ngành Dân số cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức, một trong những thách thức đó là việc kiểm soát tỉ số giới tính khi sinh.
Dù rằng thời gian qua ngành Dân số đã khống chế có kết quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, nhưng mức tăng vẫn còn cao. Nếu tốc độ gia tăng tiếp tục được khống chế ở mức 0,4 điểm phần trăm/năm thì chúng ta sẽ khó đạt chỉ tiêu Chiến lược DS-SKSS đề ra là năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) được khống chế dưới mức 113 bé trai/100 bé gái.
Có thể thấy tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta đang trở thành vấn đề rất nóng. Thực trạng này đã được các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội dự liệu, chính vì vậy mà trong Chiến lược DS-SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020, việc “kiểm soát có hiệu quả TSGTKS” là một trong những nội dung lớn cần phải tập trung giải quyết.
Ngay từ Hội nghị trực tuyến triển khai Chiến lược DS – SKSS giai đoạn 2011-2020 (tổ chức cuối năm 2011), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra 3 thách thức mà công tác dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản cần tập trung giải quyết, trong đó có vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. “Mất cân bằng giới tính khi sinh tại nhiều địa phương diễn ra trong 5 năm gần đây và có xu hướng tiếp tục tăng trong 10 năm tới. Hiện nay 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao ở mức 115 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái, trong đó đứng đầu là tỉnh Hưng Yên. Nếu không thực hiện các giải pháp quyết liệt thì khó có thể đưa tỷ số này trở lại mức tự nhiên (105-106/100) sau năm 2020, làm tăng nguy cơ mất cân bằng giới tính (thừa nam, thiếu nữ) ở độ tuổi kết hôn”, Phó Thủ tướng nói.
Cách đây 2 tháng, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh một lần nữa được đưa ra bàn thảo ở tầm quốc gia, thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan, ban ngành, người dân và giới truyền thông, đó là cuộc Hội thảo quốc gia về Mất cân bằng giới tính khi sinh, tổ chức vào ngày 3/11/2012 tại Hà Nội, do đích thân Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì.
Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Sự gia tăng của trẻ em nam mới sinh trong những năm qua, đặc biệt là 3 năm trở lại đây rất đáng lo ngại. Động cơ phải có con trai đã tồn tại trong tâm lý của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng hàng nghìn năm nay. Việc thực thi luật pháp trong việc lựa chọn giới tính thai nhi chưa nghiêm…đã khiến tỷ số giới tính khi sinh ngày càng tăng. Phó Thủ tướng cho rằng, để giảm được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ không thể làm trong một sớm, một chiều nhưng vẫn phải làm. Bên cạnh những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác truyền thông vận động cần được đẩy mạnh, từng bước vận động người dân giảm tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, giáo dục con cái có trách nhiệm với cha mẹ không phân biệt con trai, con gái…
“Một trong những giải pháp cần được thực hiện là tăng cường lực lượng cộng tác viên cơ sở đạt chất lượng. Ngành Y tế và ngành Giáo dục sớm đưa vấn đề giới tính vào các chương trình giảng dạy về giới và bình đẳng giới. Đặc biệt, huy động sự tham gia của các đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên góp phần giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh...”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo.
Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, tập trung nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ trẻ em, phát huy lợi thế cơ cấu "dân số vàng", chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số... là những vấn đề lớn cần giải quyết của Chiến lược DS – SKSS giai đoạn 2011-2020, đồng thời cũng là những vấn đề quan trọng của công tác DS – KHHGĐ trong thời gian tới, có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chiến lược DS/SKSS VN giai đoạn 2011-2020, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định: “Như các đồng chí đã biết, trong thắng lợi 10 năm vừa qua về phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta có sự góp phần của phát triển nhân lực – trong đó có sự góp phần quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác DS-KHHGĐ. Đảng và Nhà nước ta đã xác định, trong thời gian tới, phát huy lợi thế nhân lực là một việc hết sức quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó công tác DS-KHHGĐ có ý nghĩa vô cùng quan trọng...”.
“Qua các báo cáo cho thấy, công tác dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản hiện nay có ba thách thức cần tập trung giải quyết: Thách thức thứ nhất: Chất lượng dân số còn hạn chế. Tỷ lệ bệnh, tật bẩm sinh và tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao, đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản và tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh giữa các vùng miền; Thách thức thứ hai: Mất cân bằng giới tính khi sinh tại nhiều địa phương diễn ra trong 5 năm gần đây và có xu hướng vẫn tiếp tục tăng trong 10 năm tới; Thách thức thứ ba: Có sự chênh lệch bất lợi về mức sinh giữa các địa phương. Cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các phương án điều chỉnh mức sinh phù hợp với thực tế của từng địa phương.
Bên cạnh ba thách thức, công tác dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng có ba cơ hội cần tranh thủ: Cơ hội thứ nhất: Phương tiện thông tin truyền thông rất phong phú, đa dạng, cần tranh thủ để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức. Cần gắn kết việc tuyên truyền với giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản trong nhà trường; Cơ hội thứ hai: Việt Nam đã đúc rút được nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu của các nước trong việc thực hiện chính sách dân số, sức khỏe sinh sản. Việc điều chỉnh tốc độ phát triển dân số và kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh liên quan rất nhiều đến yếu tố văn hóa, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục đồng thời thực hiện những chế tài đối với các vi phạm về lựa chọn giới tính trước sinh. Cơ hội thứ ba: Phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị, công nghệ, khả năng tổ chức dịch vụ y tế (về kế hoạch hóa gia đình, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em) ngày càng phong phú, đa dạng.
Cơ cấu "dân số vàng" hiện đang là một lợi thế của Việt Nam, cung cấp nguồn lao động dồi dào cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cần phát huy lợi thế này.
(Trích ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chiến lược DS – SKSS giai đoạn 2011-2020)
Theo Giadinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét